Mùa xuân trẩy hội nước non Cao Bằng

Thứ ba - 16/04/2019 15:10

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức du xuân, trẩy hội Đền vua Lê (Hòa An), chùa Đống Lân, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm (Thành phố)... Lễ hội xuân truyền thống đã tạo nên nét văn hóa độc đáo.

 

 

Đoàn rước lễ tại Lễ hội Đền vua Lê năm 2019.

Trẩy hội, du xuân không chỉ gợi nhớ cõi tâm linh của mỗi người mà còn đánh thức trong tâm khảm biết bao thế hệ về truyền thống văn hóa của dân tộc. Trong tiết xuân, từ mùng 5 - 6 tháng Giêng năm nay, du khách khắp nơi nô nức vui xuân trẩy hội Đền vua Lê.  
Phần lễ của hội Đền vua Lê được tiến hành trang nghiêm vào sớm khai hội. Sau những nghi thức, tuần tự lễ tế, dâng hương vái tổ được tiến hành với nội dung ôn lại lịch sử, khắc ghi công ơn các thế hệ đi trước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng đất nước đổi mới, thể hiện được sự trường tồn và khát vọng hòa bình của của cả dân tộc... Khai hội tưng bừng với không khí náo nức, ngay từ sáng sớm, người dân đã mang sản vật của địa phương bày bán dọc theo đường làng dẫn vào Đền. Niềm vui trên những gương mặt rạng ngời của nam thanh nữ tú và những bậc phụ lão đến trẩy hội. Trong tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng cười nói huyên náo với các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống như: tung còn, đẩy gậy, cờ tướng... Các hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ thu hút đông đảo người dân đến xem, cổ vũ. 
Năm nay phần lễ có đội múa lân, rước kiệu vua về Đền, các mâm lễ tổ chức đúng nghi lễ. Hội được mở rộng hơn với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian với sự tham gia của 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thông qua việc trưng bày các gian hàng ẩm thực giới thiệu các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của các địa phương... Nhiều du khách cho rằng lễ hội thực sự đã văn minh và có nhiều điểm mới. Họ đến lễ hội để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Qua lễ hội góp phần quảng bá hình ảnh con người, miền đất Hòa An với bạn bè gần xa.

Biểu diễn văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân tại Lễ hội chùa Đà Quận.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa An Bế Đặng Chuyên, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Đền vua Lê năm 2019, xác định lễ hội xuân ngoài giá trị lịch sử còn là những di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc nên trong những năm gần đây, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa luôn được chú trọng. Thực hiện Chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã xây dựng Đề án nâng tầm lễ hội từ cấp xã lên cấp huyện. Trên cơ sở đó, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Lễ hội Đền vua Lê cấp huyện; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội xứng tầm với di tích cấp Quốc gia.
Sau Lễ hội Đền vua Lê, từ mùng 8 - 10 tháng Giêng diễn ra các lễ hội Chùa Đống Lân, Chùa Đà Quận, Đền Kỳ Sầm. Tại chùa Đống Lân, theo các cụ cao niên kể lại, trước đây, vào tối mùng 7, đại diện các gia đình trong làng tập trung cúng tế, liên hoan đến sáng. Hôm sau, nhân dân quanh vùng trẩy hội chùa: tụng kinh, niệm Phật, xóc xiêm cầu phúc, cầu tài, thắp hương hái lộc... và vui các trò chơi dân gian bên cạnh cây đa cổ gắn với sự tích Thạch Sanh. Còn tại chùa Đà Quận, theo nghi lễ truyền thống, đêm mùng 8, dân làng chuẩn bị đại lễ dâng hương. Sau phần lễ, nhân dân tổ chức ca hát tưng bừng. Vào ngày mùng 9, phần hội được tổ chức với các trò chơi đánh đu, tung còn, kéo co... và mở cửa để phục vụ khách thập phương đến dâng hương cầu lộc. Năm nay, theo ước tính, có hàng vạn lượt du khách đến trẩy hội. Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, công tác tổ chức đã được chuẩn bị kỹ từ trước đó hằng tháng. Ban Chỉ đạo lễ hội Thành phố, các cơ quan liên ngành và chính quyền địa phương, hoạt động của tiểu ban tổ chức từng lễ hội đều triển khai những nội dung cụ thể. Lực lượng Công an Thành phố phối hợp thường xuyên tuần tra trên địa bàn để đảm bảo thông đường, tránh ách tắc. Với mục tiêu giữ gìn văn minh lễ hội mà vẫn đáp ứng được nhu cầu hành hương của du khách thập phương, Ban Tổ chức đã có những nội quy, quy định đối với người hành lễ. Những hoạt động văn hóa vừa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã tạo được nét văn hóa lành mạnh trong cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đồng thời nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Chơi cờ tướng tại Lễ hội Đền vua Lê.

Trong các lễ hội ở huyện Hòa An và Thành phố thì Lễ hội Đền Kỳ Sầm được tổ chức quy mô nhất. Năm nay, hạ tầng cơ sở Đền được đầu tư, cải tạo khang trang hơn so với mọi năm. Sân khấu của khu vực Đền đã được đầu tư xây dựng lại; mở lối xuống Đền, hệ thống loa ngầm… với trị giá đầu tư hơn 700 triệu đồng.
Như mọi năm, Lễ hội Đền Kỳ Sầm được kết hợp giữa phần lễ và phần hội. Lễ được tổ chức trang trọng từ nửa đêm hôm trước, cầu quốc thái dân an. Phần hội được diễn ra với nét cổ truyền và hiện đại nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Hội xuân có biểu diễn “chiếu Then” phục vụ du khách. Điểm nhấn năm nay là các gian hàng trưng bày sản vật, sản phẩm nghề truyền thống đặc sắc của địa phương, đồng thời có gian hàng phục vụ Hội báo Xuân 2019 do Hội Nhà báo tỉnh phối hợp thực hiện. 
Ông Chu Văn Hòa - du khách đến từ Hà Nội cho biết: Đã 3 năm trở lại đây, cứ dịp lễ hội xuân trên địa bàn Thành phố, tôi lại đến đây du xuân. Lễ hội năm nay đông vui hơn mọi năm, không có hiện tượng đánh bạc trá hình... Lễ hội xuân ở Cao Bằng rất độc đáo, mang bản sắc địa phương.  
Văn hóa tâm linh gắn với những giá trị vật chất và tinh thần là những yếu tố làm nên lễ hội xuân. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lâm Đức Xuân, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội Thành phố năm 2019 cho biết: Lễ hội xuân với những giá trị bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp tục hun đúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc; thiết thực phục vụ nhu cầu thụ hưởng các giá trị văn hóa cùng với đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh và du khách. Thành phố đã chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo của nhân dân, qua đó củng cố tình cảm và ý thức cộng đồng, huy động các nguồn lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững.

Xin chữ đầu năm tại Lễ hội chùa Đống Lân.

Người đi lễ, trẩy hội đều thành tâm từ cõi lòng. Họ không chỉ đơn giản tìm về cõi tâm linh để cầu những điều tốt đẹp mà còn là sự chiêm nghiệm về cuộc đời. Tái hiện quá khứ gắn với hiện tại qua không gian văn hóa, đó là sự nối tiếp truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Theo chiều dài thời gian, những nơi này đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến thưởng ngoạn nước non Cao Bằng. 


 

Nguồn tin: Tiến Quyết - Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây