Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng

http://demo.vnptcaobang.com.vn


Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc gắn với CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng

Ngày 22/11/2019, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc gắn với công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu Non nước Cao Bằng. Đ/c Sẩm Việt An, Giám đốc Sở VHTTDL và Đ/c Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch chủ trì buổi Tọa đàm.
Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện các Vụ, viện, cục thuộc Bộ VH-TT&DL và hơn 50 đại diện cho các công ty, doanh nghiệp lữ hành đã, đang và có quan tâm triển khai dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Ảnh 3: Toàn cảnh cuộc Tọa đàm
Toàn cảnh cuộc Tọa đàm

Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.724,6km2 với tổng dân số khoảng 530.341, trong đó 95% là dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có nét sinh hoạt văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú về văn hóa hấp dẫn đối với du khách. Bên cạnh đó, Nơi đây có địa hình phong phú và đa dạng, tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp và hoang sơ có giá trị du lịch cao. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh… được giữ gìn, tôn tạo. Các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được bảo tồn, duy trì và phát triển. Đặc biệt ngày 12/4/2018, Non nước Cao Bằng đã được UNESCO vinh danh công nhận là CVĐC toàn cầu của UNESCO, qua đó đã góp khẳng định tầm quan trọng và giá trị tiềm năng du lịch của tỉnh Cao Bằng nói chung và CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nói riêng.

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm đều khẳng định rằng tỉnh Cao Bằng có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành du lịch, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó, di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, DTLS Quốc gia Đặc biệt Chiến thắng Biên giới 1950; kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày, Nung, Lang đá của người Tày, các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó là hệ thống hang động phong phú, đặc biệt là những cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng như Thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, vườn Quốc Gia Phja Oắc- Phja Đén…

Đại diện các doanh nghiệp phát biểu đóng góp ý kiến tại cuộc Tọa đàm.
Đại diện các doanh nghiệp phát biểu đóng góp ý kiến tại cuộc Tọa đàm

Mặc dù tỉnh Cao Bằng có rất nhiều tiềm năng có thể phát triển nhiều loại hình và dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp, công ty lữ hành cũng chỉ ra rằng tỉnh còn nhiều vấn đề cần khắc phục để có thể khai thác và phát huy những giá trị này. Qua cuộc khảo sát các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì các đại biểu chỉ ra rằng khả di chuyển, đi lại kết nối giao thông là một trong những trở ngại chính để khơi dậy những tiềm năng này. Đặc biệt, các tuyến đường tỉnh lộ kết nối các điểm cảnh quan, điểm di sản hiện nay đã xuống cấp và các phương tiện giao thông gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển, thông thường du khách sẽ phải di chuyển dọc theo tuyến đường quốc lộ chính, và lặp lại tuyến đường; đây là một trong những vấn đề khi doanh nghiệp đưa du khách đi trải nghiệm rất quan tâm.

            Hệ thống Cơ sở lưu trú tại tỉnh Cao Bằng về cơ bản có thể đáp ứng được cơ bản nhu cầu đa dạng của du khách khách, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng mong muốn được đầu tư phát triển hơn nữa hệ thống Homestay vì đây là loại hình lưu trú vừa để phục vụ du lịch, vừa để bảo tồn bản sắc, văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống người dân địa phương.

Đại diện các doanh nghiệp và công ty lữ hành cũng chỉ ra rằng hiện nay sản phẩm du lịch của Cao Bằng còn hạn chế và chưa hấp dẫn và lôi cuốn đối với du khách. Hiện nay các hoạt động của du khách khi đến Cao Bằng về cơ bản là ngắm cảnh, thăm làng nghề hoặc trecking. Các sản phẩm bán hàng lưu niệm cho du khách, đặc biệt là các sản phẩm của địa phương cũng còn hạn chế. Việc phục dựng các di tích lịch sử tại Cao Bằng cũng cần được quan tâm hơn nữa để thu hút du khách đến thăm và trải nghiệm tại các điểm du lịch lịch sử.  Ngoài ra một số doanh nghiệp kiến nghị trong thời gian tới cần đơn giản hóa thủ tục và thời gian xin giấy phép vào tham quan khu vực biên giới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa du khách quốc tế vào tham quan.

            Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Đ/c Sẩm Việt An, Giám đốc Sở VHTTDL khẳng định: Buổi tọa đàm là cơ hội quý báu để Cao Bằng được lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để ngành nghiên cứu và tham mưu cho tỉnh định hướng giải quyết và khắc phục những khó khăn tồn tại hiện nay. Ông cũng đã chia sẻ với các doanh nghiệp về định hướng phát triển du lịch của Cao Bằng trong thời gian tới như: việc thí điểm xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc thành khu du lịch trọng điểm kiểu mẫu về du lịch biên giới; việc phát triển các sản phẩm du lịch; các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh lộ; xây dựng biểu tượng trên đỉnh Phja Oắc; Kế hoạch tổ chức Lễ hội Hoa lê của Cao Bằng; và kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch trong thời gian tới.
Đoàn khảo sát tiềm năng du lịch tại Tuyến trải nghiệm phía Tây của CVĐC Non nước Cao Bằng.
Đoàn khảo sát tiềm năng du lịch tại Tuyến trải nghiệm phía Tây của CVĐC Non nước Cao Bằng.
Trước đó từ ngày 18-21/11/2019, Đoàn đã đi khảo sát Ba tuyến trải nghiệm trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng gồm Tuyến du lịch “Hành trình về cội nguồn” tại huyện Hòa An và Hà Quảng; Tuyến du lịch “Khám phá Phja Oắc – Vùng núi của những đổi thay” tại huyện Nguyên Bình; Tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” tại huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang, Trùng Khánh.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây