Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong - địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng
- Thứ tư - 22/05/2024 11:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đồng chí Hoàng Đình Giong - người cộng sản ưu tú của Đảng, một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Cao Bằng, là người đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) truyền bá vào Cao Bằng và cũng chính là người xây dựng Đảng bộ Cao Bằng. Ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã xây dựng Địa điểm lưu niệm đồng chí tại làng Nà Toàn, phường Đề Thám (Thành phố).
Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu (Trung Quốc). Đồng chí là người trực tiếp sáng lập và xây dựng Đảng bộ Cao Bằng. Ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An. Chi bộ Nặm Lìn ra đời có chức năng như một Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh Cao Bằng.
Năm 1935, tại Đại hội Đảng lần thứ I (họp tại Ma Cao, Trung Quốc), đồng chí được bầu vào Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ tháng 2/1936 đến tháng 10/1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, trải qua nhiều cực hình tra tấn tại các nhà tù: Cao Bằng, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang) và bị đày đi đảo Nôxilava ở Mađagatxca (châu Phi). Với sách lược khôn khéo, tranh thủ lực lượng đồng minh, đồng chí và một số tù chính trị đã trở về nước an toàn. Trở lại Cao Bằng, đồng chí trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và là Trưởng ban khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Cao Bằng.
Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam Bộ đánh thực dân Pháp với tên mới do Bác Hồ đặt cho là Võ Văn Đức (cái tên mang nhiều ý nghĩa, thể hiện trọn vẹn những phẩm chất cần thiết phải có của một nhà lãnh đạo cách mạng).
Đồng chí đã được Đảng cử giữ những chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Giải phóng quân Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên Khu 9, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 6. Năm 1947, đồng chí Hoàng Đình Giong anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận.
Ghi nhận những cống hiến và công lao to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, năm 1998 đồng chí được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2009 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2018 được công nhận là Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Một trong những hạng mục điểm nhấn của Khu lưu niệm là nhà trưng bày có diện tích khoảng 110m2, bên trong gồm bức phù điêu bằng đồng thể hiện hình ảnh đồng chí Hoàng Đình Giong cùng đồng bào các dân tộc Cao Bằng; trên 100 hiện vật phục chế, tranh vẽ, ảnh sưu tầm, tiểu cảnh,… nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong.
Không gian nhà trưng bày được chia làm 6 phần chính, gồm: quê hương, gia đình đồng chí Hoàng Đình Giong; những năm tháng hoạt động cách mạng và trực tiếp rèn luyện xây dựng Đảng bộ Cao Bằng; vai trò lãnh đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong giai đoạn 1930-1935; đấu tranh trong nhà tù đế quốc, thoát khỏi tù ngục về nước hoạt động cách mạng; chỉ huy bộ đội Nam tiến chống thực dân Pháp xâm lược; sự tôn vinh, ghi nhận những cống hiến và công lao to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Thông qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật tại đây góp phần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ về lịch sử, truyền thống của địa phương, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước.
Cảnh quan nơi đây tôn nghiêm, sạch đẹp bởi hằng ngày con cháu trong gia đình họ Hoàng, những người được giao nhiệm vụ trông coi, giữ gìn thường xuyên quét dọn và mở cửa cho các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu. Đây cũng là nơi các chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức báo công, tuyên dương và các hoạt động mang tính giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ.