Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng

http://demo.vnptcaobang.com.vn


Các hệ sinh thái trong vùng CVĐC TC UNESCO non nước Cao Bằng

Ngoài những giá trị khảo cổ, văn hóa, lịch sử và địa chất nổi bật có giá trị tầm cỡ quốc tế, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng còn chứa đựng những giá trị về đa dạng sinh học quan trọng.
Ảnh: P.V
Cao Bằng, đặc biệt là CVĐCTC UNESCO non nước Cao Bằng, là một trong số ít địa phương ở Việt Nam còn khá giàu có về tài nguyên - đa dạng sinh học. Một số nguyên nhân chính là khu vực này có tính đa dạng địa chất cao; điều kiện khí hậu thuận lợi, ít thiên tai địch họa; vị trí địa lý xa xôi hẻo lánh, địa hình hiểm trở, điều kiện đi lại trong một thời gian dài trước đây không mấy dễ dàng… Thêm vào đó, tài nguyên đất và nước khá phong phú cộng với truyền thống canh tác lúa nước và các loại hoa màu lâu đời của đồng bào các dân tộc ở khu vực này, khiến họ không có mấy động cơ chặt phá rừng, xâm hại đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn ĐDSH đếnnăm 2020, định hướng đến năm 2030”.
 
Kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng và phân vùng đa dạng sinh học cho thấy tỉnh Cao Bằng có 10 HST khác nhau thuộc 2 nhóm chính. Trong đó 7 HST tự nhiên (gồm: 5 HST rừng và 2 HST tự nhiên không thuộc HST rừng) có tổng diện tích là 499.604,26 ha, 3 HST nhân tạo có tổng diện tích là 170.738 ha (trong đó HST rừng trồng 22.240 ha, HST nông nghiệp 143.800 ha, và HST khu dân cư 4.698 ha).
 
Diện tích rừng ở Cao Bằng còn khá lớn, với 372.908,24 ha, chiếm 55,59% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Diện tích các HST rừng tự nhiên nằm trong các khu bảo tồn và các hành lang ĐDSH được quy hoạch là 44.353,21 ha chiếm 6,62% tổng diện tích rừng. Năm HST rừng tự nhiên của Cao Bằng:
1.Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp (độ cao dưới 600m), diện tích 115.703 ha. HST này phân bố chủ yếu ở các huyện thuộc phạm vi CVĐC Cao Bằng như: Thạch An; phía Đông huyện Nguyên Bình; các xã Tiên Thành, Hồng Đại, Cách Linh (huyện Phục Hòa); các xã Cô Ngân, An Lạc, Minh Long, Đồng Loan (huyện Hạ Lang); xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh); các xã Nà Sác, Đào Ngạn và thị trấn Xuân Hòa (huyện Hà Quảng); các xã Ngũ Lão, Bế Triều, Đại Tiến, Nam Tuấn (huyện Hòa An). HST này có 71 loài thực vật và 57 loài động vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007. HST này có chức năng quan trọng duy trì và nâng cao độ che phủ, góp phần BVMT cho tỉnh;
2.Hệ sinh thái rừng kín thường xanh hỗn giao rộnglá kim á nhiệt đới trên núi trung bình (độ cao từ 600 đến 1600m) phân bố chủ yếu ở các huyện thuộc phạm vi CVĐC Cao Bằng như Nguyên Bình; các xã Kim Loan, Đức Quang (huyện Hạ Lang); các xã Chí Viễn, Cao Thắng (huyện Trùng Khánh); xã Phi Hải (huyện Quảng Uyên); các xã Xuân Nội, Cao Thương, Quốc Toản, Quang Trung (huyện Trà Lĩnh); xã Sóc Hà (huyện Hà Quảng) và một phần bên ngoài phạm vi CVĐC thuộc các huyện Bảo Lâm, phía Nam huyện Bảo Lạc. Nơi đây có 79 loài thực vật, 57 loài động vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007;
3.Hệ sinh thái rừng kín thường xanh ôn đới trên núi cao (độ cao trên 1.600m) diện tích 613,94 ha, phân bố tập trung ở vùng đỉnh núi Phja Oắc thuộc các xã Phan Thanh, Thành Công và thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình); vùng đỉnh núi Pia Ya (ở ranh giới các xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm và Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, ngoài phạm vi CVĐC). Thực vật nơi đây có 50 loài quý hiếm, đáng chú ý có một số loài lan, đặc biệt là lan hài. Hệ động vật có 48 loài quý hiếm. Điểm đặc biệt của HST này là có rừng rêu, còn gọi là rừng cảnh tiên, một trong những kiểu rừng ít gặp ở Việt Nam;
4.Hệ sinh thái rừng tre nứa thuần loại hỗn giao diện tích 3.567,24 ha, phân bố chủ yếu ở các xã Đức Long, Dân Chủ, Bạch Đằng, Lê Trung (huyện Hòa An); xã Thịnh Vượng (huyện Nguyên Bình) và các xã Sơn Lộ, Hưng Thịnh, Huy Giáp, (huyện Bảo Lạc, ngoài phạm vi CVĐC). Đây là HST có nguồn gốc thứ sinh hình thành sau khi rừng bị khai thác. HST có vai trò quan trọng trong việc phục hồi rừng tự nhiên;
5.Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi có diện tích 153.210,00 ha, chiếm 22,84% tổng diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là các huyện có đá vôi của CVĐC Cao Bằng. Đây là một trong những HST đặc trưng không chỉ của Cao Bằng mà còn là của cả nước với rất nhiều loài động vật (67), thực vật (51) quý hiếm, trong đó nhiều loài chỉ có trên núi đá vôi. Các loài thực vật có nghiến, trai, thông đỏ bắc, thiết sam giả, thiết sam núi đá, thông Pà Cò, một số loài lan hài… Động vật đặc biệt có vượn Cao Vít ở huyện Trùng Khánh.

Các HST tự nhiên khác không thuộc HST rừng có:
6.Hệ sinh thái đất ngập nước bao gồm các hệ thống sông, suối lớn như sông Bằng Giang, Gâm, Bắc Vọng, Quây Sơn, Kẻ Rào, Nguyên Bình, Minh Khai, Nho, suối Lê Nin và một số hồ lớn như Thang Hen (Trà Lĩnh), Bản Nưa, Kẻ Niệt (Hà Quảng), Phia Gào, Khuổi Ang, Nà Tấu (Hòa An). Toàn bộ HST đất ngập nước có diện tích 4.312,00 ha, chiếm 0,64% diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng. HST đất ngập nước có chức năng bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm, góp phần phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, giáo dục, BVMT…
7.Hệ sinh thái trảng cây bụi, trảng cỏ có diện tích 122.827,32 ha, chiếm 18,31% diện tích tự nhiên tỉnh. Đây là môi trường sống của một số loài chim, thú nhỏ, đồng thời cũng là nơi góp phần phục hồi rừng tăng tỷ lệ che phủ cho toàn tỉnh.
Việc CVĐC non  nước Cao Bằng được công nhận là CVĐC toàn cầu sẽ giúp nâng cao hơn hiệu quả công tác bảo tồn những giá trị về đa dạng sinh học của Cao Bằng nói chung và CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng nói riêng, đồng thời hỗ trợ việc khai thác và phát huy những giá trị về đa dạng sinh học này một cách bền vững.

Nguồn tin: Trần Thùy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây