Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng

http://demo.vnptcaobang.com.vn


THỜ CÚNG THỔ CÔNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở CAO BẰNG TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

Miếu thờ Thành hoàng xóm Lũng Ỏ, thị trấn Quảng Uyên.  Ảnh:  Phạm Khoa

          Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là vùng đất chứa đựng nhiều di sản địa chất có giá trị tầm cỡ quốc tế. Đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ… Mỗi dân tộc đều có những  nét văn hóa và hoạt động tín ngưỡng riêng tạo cho nền văn hóa của Cao Bằng phong phú và đa dạng. Xuất phát từ tín ngưỡng nông nghiệp, phần lớn các dân tộc thiểu số đều thờ thổ công và đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán việc lễ thổ công tại các làng bản đều được coi trọng.

          Dân tộc Mông, họ gọi là cúng " Thứ Tỷ". Lễ tế diễn ra vào sáng 30 tết, mỗi gia đình trong bản đều phải đem lễ vật đến miếu thổ công của làng, chỉ đàn ông chủ gia đình mới được đi tế. Khi đi họ mang theo 1 con gà thiến, 5 que hương, 3 ly rượu, cơm. Người chủ gia đình sẽ cầu xin thần phù hộ cho đất đai không bị sạt lở, cây lúa, cây ngô không bị đổ, không bị thú vật phá hoại... Đi cúng thổ công xong mọi người mới về quét dọn nhà cửa, họ lấy ba cành tre có lá và lấy một miếng vải đỏ buộc lại thành chổi để quét bò hóng, bụi trên trần nhà. Sau khi quét dọn xong rác rưởi được gom lại đổ ở ngã rẽ để những gì không may mắn năm cũ theo con đường ra đi, năm mới gia đình gặp điều may mắn.

          Dân tộc Dao Tiền ở huyện Nguyên Bình họ tế thổ công " Thì Tiêu Miên" hai lần vào dịp cuối năm và đầu năm. Các nhóm hộ cùng dãy nhà sẽ tổ chức cúng chung và cử ra một người đứng đầu làm trưởng nhóm thực hiện nghi thức cúng. Cuối năm vào thời điểm ngày 25 - 26 âm lịch trở đi, mỗi hộ đem theo rượu, tiền giấy bản, hương, một con gà thiến luộc, một bơ gạo, một nắm cơm, nắm cơm này sẽ được gói tượng trưng thành " Gùa Cháng" vì thời điểm này chưa kịp gói bánh tết. Khi làm lễ người đứng đầu sẽ báo cáo với thổ công tình hình mùa màng và chăn nuôi của các hộ một năm qua và tỏ lòng thành kính, biết ơn của mọi người đối với thổ công. Đối với dân tộc Dao Tiền sau khi đi tế thổ công về họ mới được phép thịt lợn làm bánh ăn tết. Còn sau tết cúng vào đầu năm, tuy không có ngày cố định nhưng tùy theo từng dòng họ phải tránh ngày kỵ của họ mình. Lúc này họ đã làm được bánh " gùa chống" để mang đến lễ và cầu xin những điều tốt đẹp. Sau khi lễ xong các gia đình sẽ tập trung ăn uống ở nhà trưởng nhóm.

          Dân tộc Tày ở xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh ngày cuối năm họ cùng nhau đến dọn dẹp sửa sang miếu, người già trong nhà sẽ đem quần áo các thành viên trong gia đình đến gọi vía và cầu cho các thành viên trong gia đình có nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn. Các ngày đầu năm mới họ đến thắp hương, Còn dâng lễ vật và lễ tế thổ công sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng giêng.

          Đối với dân tộc Nùng ngay từ đêm 30 tết, đã đem lễ vật đến tế thổ công. Sang đến sáng sớm mùng 2 tết, các gia đình tập trung làm lễ tại miếu. Sau khi lễ xong  họ sẽ gõ một hồi mõ, khi nghe tiếng mõ ngân lên tại mỗi gia đình họ sẽ phân công nhau gọi và chăn các con vật nuôi. Những tiếng gọi rí rí rí; cú cú cú, ò ò ò rộn ràng cả làng trong ngày đầu năm mới, dân tộc Nùng quan niệm rằng như vậy thì sang năm mới lợn gà trâu bò đầy chuồng, béo tốt. Sau lễ cúng mọi người cùng nhau ăn uống thụ lộc tại miếu, rót rượu chúc tụng nhau, sau khi cúng và ăn uống mọi người cùng nhau ra về và bắt đầu chuẩn bị đi chúc tết bên ngoại (pây tái).

          Có thể nói lễ thổ công vào dịp tết Nguyên đán cũng là một nghi thức cầu mùa của cư dân nông nghiệp với các lễ vật không thể thiếu như con gà đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời, tiếng gà gọi mặt trời gắn liền với mong ước mưa thuận gió hòa. Bánh lưng gù (bánh toóc) mang hình ảnh người phụ nữ đang có bầu, cầu sự sinh sôi, nẩy nở,  hay bà con còn có quan niệm đơn giản hơn với chiếc bánh lưng còng giống như hình ảnh người nông dân còng lưng cày cấy làm nương, sau thời gian ăn tết họ lại tiếp tục với công việc đồng áng của mình.

          Đối với các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, tục tế thổ công không chỉ là buổi lễ tín ngưỡng mà chứa trong đó là sự đoàn kết gắn bó keo sơn cộng đồng nơi cư trú. Mọi người cùng nhau đoàn kết vui vẻ tổ chức một bữa cơm và chúc tụng nhau những điều tốt đẹp dưới sự chứng kiến của thần linh. Tất cả tạo nên không khí vui tươi rộn ràng của những ngày đầu xuân trong tình làng nghĩa xóm.

Nguồn tin: Hoàng Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây