Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng

http://demo.vnptcaobang.com.vn


TRUYỀN THUYẾT “CẨU CHỦA CHENG VÙA”

Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” kể về quá trình hình thành nhà nước Nam Cương, quá trình làm vua nước Nam Cương của Thục Chế và con trai là Thục Phán, người sau này cũng trở thành vua của nhà nước hợp nhất Âu Lạc và dời đô xuống Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Mặt khác, truyền thuyết cũng mô tả một cách chân thực, sinh động, hấp dẫn, miền đất Cao Bằng, với một bồn địa bằng phẳng ở trung tâm, xung quanh là núi rừng trùng điệp. Một loạt các địa danh của kinh thành Bản Phủ cổ xưa cũng được mô tả thông qua các tích, phản ánh nhận thức của người xưa về các đặc điểm địa hình, địa vật tự nhiên.

Theo truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa”, vùng đất Cao Bình xưa nằm dọc theo hai bờ sông Bằng Giang, trung tâm là bồn địa Hoà An, gồm 10 xứ (9 mường và 1 trung tâm). Xứ mường trung tâm có Thục Chế xưng là An Trị Vương, xây thành Bản Phủ, đóng đô ở Nam Bình. Chín mường xung quanh là các chư hầu, do các chúa như: Tiến Đạt, Kim Đán, Văn Thắng, Ngọc Tặng, Thành Giáng, Quang Thạc… cai trị. Tất cả cùng làm nên nước Nam Cương, cùng thời với nước Văn Lang của vua Hùng và người Lạc Việt ở phía Nam. Thục Chế làm vua được 60 năm thì mất ở tuổi 95, khi con trai là Thục Phán mới tròn 10 tuổi. Cháu Thục Chế là Thục Mô giúp Thục Phán nhiếp chính nhưng lộng quyền. 9 chúa mường không phục, kéo quân về bắt Thục Phán chia nhỏ đất ra cho các chúa cai quản và đòi nhường ngôi “vua”. Thục Phán ít tuổi nhưng rất thông minh, đã bày ra những cuộc đua sức, đua tài, giao hẹn ai thắng sẽ nhường ngôi.

Thục Phán dùng mưu, tổ chức các cuộc thi bắn cung trúng lá đa khi lá rụng, dùng một cái lưỡi cày để làm ra 1.000 chiếc kim…, thậm chí cả “mỹ nhân kế” – cho 10 thiếu nữ xinh đẹp đi theo người thi…, khiến cho các chúa mất nhiều thời gian, công sức. Hết giờ nhưng chưa ai làm xong phần thi của mình, các chúa phải quy phục Thục Phán.

Theo truyền thuyết kể trên, di tích thành Bản Phủ nằm trên một vùng rộng lớn bao quanh là sông nước và đồng ruộng thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Đây là nơi thiết triều của Vương phủ thời Thục Chế - Thục Phán và cả thời Mạc sau này. Thành quân sự khi đó đóng ở Nà Lữ (Hoàng Tung, huyện Hòa An ngày nay).

Thành Bản Phủ được xây dựng ở một vị trí rất đẹp và quay mặt sang hướng Đông Nam. Phía trước thành là Hồ Sen rộng khoảng 7ha và cánh đồng Cao Bình bằng phẳng. Tiếp đó là cánh đồng Tổng Chúp, trước đó gọi là cánh đồng Tổng Quảng có nghĩa là cánh đồng rộng, sau cuộc đua tài của chúa Tiến Đạt chưa cấy hết (còn bằng cái nón) nên được gọi là cánh đồng Tổng Chúp. Gần chân thành là giếng ngọc (nay gọi là Bó Phủ) nước trong vắt quanh năm. Gần hồ sen là Đền Giao và Thiên Thanh tương truyền là nơi vua tế lễ trời đất. Bên phải và bên trái thành còn có vườn hoa (Đào Viên) cung Hoàng hậu, nhân dân quen gọi là Đông Tầm và một bên là khu vực dành cho các cung nữ. Phía trên khu đồi gọi là Thôm Dạng tức là khu vực nuôi voi, khu vực dành cho các em nhỏ gọi là Hồ nhi. Gần Bản Phủ là cây đa cổ thụ tương truyền là nơi chúa Kim Đán đã dùng cung tên bắn gần trụi hết lá. Ra khỏi vòng thành ngoài, gần Đầu Gò hiện nay có một đôi guốc đá khổng lồ chưa kịp đục lỗ xỏ quai, đó là kết quả thi tài của chúa Văn Thắng. Tiếp tục đi theo quốc lộ 4 khoảng 1 km ở bên phải đường có một quả đồi gọi là Khau Lừa tức đồi thuyền, theo truyền thuyết đó là con thuyền mà chúa Ngọc Tặng chưa kịp lật. Đối diện với Khau Lừa ở bên kia sông Bằng Giang là thành Nà Lữ (có đền vua Lê, hàng năm cũng tổ chức lễ hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng) còn thiếu một cửa thành do cuộc đua tài của chúa Thành Giáng bị bỏ dở. Còn các chúa làm thơ, mài kim… đều bỏ dở vì khi cuộc thi gần đến thắng lợi thì nghe tiếng trống của Quang Thạc vang lên, các chúa tưởng Quang Thạc đã giành chiến thắng. Nhưng cả Quang Thạc cũng bị trúng mỹ nhân kế của Thục Phán nên để trống lăn xuống vực mà kêu ầm lên vang vọng cả núi rừng, nơi trống lăn gọi là Tổng Lằn.

 

 

 

Nguồn tin: BQL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây