Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng

http://demo.vnptcaobang.com.vn


Khám phá cảnh quan “Lưng rồng” - “Thung lũng treo”

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là một vùng đất hiếm có ở Việt Nam để du khách có thể tìm hiểu lịch sử của trái đất qua các dấu tích. Từ các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, các cảnh quan đá vôi,… đến cảnh quan “Lưng rồng” - “Thung lũng treo”. Đây là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất.
lung rong
Cảnh quan “Lưng rồng” - như một con rồng đang ẩn mình trong rừng núi.

Cảnh quan “Lưng rồng” là một dạng địa hình độc đáo nằm ở xã Thể Dục (Nguyên Bình), là cảnh quan của một bề mặt san bằng karst ở độ cao khoảng 700 - 800 m kéo dài hàng ki-lô-met, trông xa như một con rồng đang ẩn mình trong rừng núi. “Bề mặt san bằng karst” được hiểu là một dãy các bề mặt địa hình karst có cùng độ cao, trừ một số chóp nón karst sót nhô lên trông như lưng rồng. Điều kiện hình thành một bề mặt san bằng karst trong khu vực là quá trình bóc mòn, rửa lũa diễn ra một thời gian dài trong điều kiện kiến tạo tương đối bình ổn.

Dưới bề mặt san bằng là thung lũng đá vôi kéo dài hơn 3 km, rộng gần 1 km, phát triển theo phương Đông Bắc - Tây Nam. Các cụm dân cư và ruộng bậc thang của người dân vùng cao đan xen, làm thành một bộ phận không thể thiếu của cảnh quan khu vực này. Sự có mặt bề mặt san bằng karst ở độ cao 700 - 800 m không chỉ có giá trị thẩm mĩ mà còn là bằng chứng chỉ ra rằng cách ngày nay khoảng 5 triệu năm (thời kỳ Pliocen), bối cảnh kiến tạo ở khu vực này là tương đối bình ổn.

thung lung treo
“Thung lũng treo” Tĩnh Túc.

Cách cảnh quan “Lưng rồng” không xa là “Thung lũng treo” Tĩnh Túc, là một dạng địa hình karst đặc biệt ở thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình). Thung lũng treo dài hơn 4 km, rộng gần 1 km. Nguyên nhân tạo nên dạng địa hình đặc biệt này chủ yếu do vận động nâng trong giai đoạn tân kiến tạo.

Khác với địa hình thung lũng thường thấy nằm thấp hơn so với địa hình xung quanh và có chiều dài lớn hơn rất nhiều so với chiều rộng, thung lũng treo thường để lại dấu tích trên các sườn núi cao, dọc theo các đới đứt gãy. Chúng thường hình thành khi thung lũng chính mở rộng và ăn sâu do nhiều yếu tố khác nhau, như bóc mòn do băng hà (những vùng có băng hà) hay nâng kiến tạo (như trong trường hợp này), khiến cho thung lũng treo bị kết thúc đột ngột, tạo thành vách đứng, nhiều khi làm thành các thác nước nhiều tầng tại nơi nhập vào thung lũng chính.

Ngoài ra, trong khu vực còn có thể quan sát thấy một số dạng địa hình đặc biệt khác ở độ cao 800 m, kéo dài hàng km; hay các mặt facet (các vách núi đá vôi dạng tam giác dốc đứng, hình thành do đứt gãy cắt vào sườn núi) cao hàng chục mét.

Nguồn tin: Thanh Bình - Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây