Công bố tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 “Một thời hoa lửa”, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
- Thứ hai - 10/07/2023 07:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 9/7, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch công bố tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 “Một thời hoa lửa”, Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nhân kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2023). Tham dự có các đồng chí: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, Thành phố, Hiệp hội Du lịch và đối tác CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 được Đoàn chuyên gia CVĐV Toàn cầu UNESCO, gồm ông Guy Martini, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO; Trần Tân Văn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm trưởng đoàn và Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng khảo sát từ năm 2021 - 2022. Qua khảo sát, đánh giá, phát hiện nhiều giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan đặc sắc phản ánh quá trình tiến hóa lâu dài với những biến động địa chất phức tạp của vỏ trái đất cách đây hàng trăm triệu năm như: các hoạt động đứt gãy, quá trình chuyển biến của vỏ trái đất từ vỏ đại dương sang vỏ lục địa với nhiều hệ tầng dày hàng ngàn mét, quá trình karst hóa tạo nên cảnh quan karst đẹp hùng vĩ, thơ mộng, đa dạng địa hình… mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm bất ngờ.
Tại thành phố Cao Bằng tìm thấy những dấu tích của một môi trường sông, hồ, đầm lầy từ 28 - 38 triệu năm (Eocenmuộn - Oligocen sớm) với một hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Các hóa thạch điển hình như hóa thạch san hô (Thụy Hùng), lỗ tầng (Lê Lai)… minh chứng quá trình địa chất lâu dài của một khu vực trước đây là biển sau đó được nâng lên, phác họa lại điều kiện địa ly - địa chất trong các giai đoạn phát triển của vỏ trái đất.
Đặc biệt, điểm di sản núi lửa dưới đại dương cổ tại đèo Khau Khoang, xã Thái Cường (Thạch An) bắt gặp vết lộ đá basalt dạng cầu gối - sản phẩm phun trào núi lửa dưới đáy đại dương - rift sông Hiến - hình thành khoảng 260 triệu năm dọc theo đứt gãy sâu phương Tây Bắc - Đông Nam Cao Bằng - Tiên Yên.
Tên gọi “Một thời hoa lửa” mang hàm ý một tuyến trải nghiệm có nhiều giá trị di sản địa chất độc đáo, trải qua biến động địa chất mãnh liệt hình thành nên những cảnh quan đặc sắc. “Hoa lửa” gợi liên tưởng đến hình ảnh dòng dung nham đỏ rực dâng lên từ trong lòng đất và chảy tràn khắp đáy đại dương… cách đây hàng trăm triệu năm.
Tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 “Một thời hoa lửa” phía Nam từ thành phố Cao Bằng - Thạch An - Quảng Hòa gắn với huyền thoại Đường số 4 rực lửa, với sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta làm nên Chiến thắng Biên giới 1950 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cụm di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Biên giới 1950 gắn với sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chi Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Di tích nhà tưởng niệm Hoàng Đình Giong - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng.
Qua khảo sát, đánh giá, tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 “Một thời hoa lửa” gồm 15 điểm di sản diện mạo địa chất, văn hóa, lịch sử: Tại thành phố Cao Bằng có 4 điểm: trung tâm thông tin CVĐC, Nhà tưởng niệm Hoàng Đình Giong (Đề Thám), mỏ sắt Chu Trinh (Chu Trinh), hồ hóa thạch thân mềm và than nâu trong trầm tích Neogen (tổ 11, phường Sông Hiến). Trong chuỗi di sản trên, có Nhà trưởng niệm Hoàng Đình Giong (1904 - 1947) là di tích lịch sử quan trọng tri ân vị tiền bối cách mạng tiêu biểu Việt Nam.
Huyện Thạch An có 8 di sản: Núi lửa dưới đại dương cổ, đèo Khau Khoang (Thái Cường); rừng cây di sản Vân Trình (Vân Trình); thung lũng karst - Cơ sở sản xuất thạch đen truyền thống Lê Lai (Lê Lai); Hợp tác xã nông sản hữu cơ Vân An (Lê Lai); Trung tâm thông tin CVĐC Đông Khê; Di tích đồn Đông Khê (thị trấn Đông Khê); đỉnh núi Báo Đông (Đức Long); Đại dương cổ - Điểm hóa thạch lỗ tầng (Thụy Hùng). Huyện Quảng Hòa có di sản: Làng đường mía Bó Tờ, sản phảm CVĐC xóm Bó Tờ; chùa Phật tích Trúc Lâm Tà Lùng (điểm văn hóa thị trấn Hòa Thuận) và điểm hữu nghị Việt - Trung, thị trấn Tà Lùng.
Tại Lễ công bố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao chứng nhận đối tác chính thức của mạng lưới CVĐC Non nước Cao Bằng cho 7 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn CVĐC Non nước Cao Bằng.
Thời gian tới, Thành phố và huyện Thạch An, Quảng Hòa làm tốt công tác bảo vệ, duy tu hệ thống cơ sở vật chất; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng và chuyên gia UNESCO tiếp tục nghiên cứu, khai thác các hoạt động tuyến trải nghiệm thứ 4 gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, đưa thế mạnh du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần tích cực chuẩn bị tốt cho Cao Bằng năm 2024 sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.