ĐẶC SẮC LỄ HỘI NÀNG HAI Ở CHU LĂNG, XÃ KIM ĐỒNG, HUYỆN THẠCH AN, TỈNH CAO BẰNG

Thứ hai - 27/04/2020 10:19

Cao Bằng nói chung và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng nói riêng là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa phong phú và đặc sắc. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ…Mỗi một dân tộc lại có những hình thức sinh hoạt, phong tục và tập quán riêng.

          Dân tộc Tày ở miền Non nước Cao Bằng nổi tiếng với lễ hội Nàng Hai đây là một lễ hội mang ý nghĩa cầu mùa của cư dân nông nghiệp. Đặc biệt, Lễ hội ở xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Bên cạnh đó, còn có lễ hội Nàng Hai ở thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng với những nét độc đáo và hấp dẫn riêng mang đặc trưng của người Tày sinh sống trên địa bàn huyện Thạch An.

          Lễ hội Nàng Hai ở thôn Chu Lăng diễn ra trong khoảng một thời gian khá dài, trước đây được tổ chức hàng năm từ ngày 30 tháng giêng đến ngày 18 tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên trong những năm gần đây, hội được tổ chức vào năm nhuận với khoảng thời gian đầu tháng 3 đến 18/3 âm lịch.

          Để chuẩn bị cho lễ hội, nhân dân chọn bãi đất trống đầu làng làm địa điểm dựng lều Nàng Hai (thiêng hai) và là nơi diễn ra các hoạt động ngày tiễn Nàng Hai về trời. Lều Nàng Hai được dựng bằng những câu vầu, trong lều có đặt mâm thờ có 2 bát gạo làm bát hương, mỗi bát cắm 1 con chim én gấp bằng giấy, đó là sứ giả đưa tin giữa cõi trần và mường trời. Phía trước mâm thờ có gác sào các bó hoa rừng để cúng hàng đêm.

          Những  người chính tham gia lễ hội gồm: Hai thầy cúng, 1 thầy phụ trách lễ tại miếu thiêng, 1 thầy phụ trách lễ tại miếu thổ công và gọi hồn Nàng Hai về hạ giới. Hai Cường, Sở để hồn Nàng Hai nhập xuống hạ giới đó là hai người thiếu nữ trẻ đẹp, hát hay. Cường mặc áo vàng chít khăn vàng. Sở mặc áo đỏ, chít khăn đỏ. Người Tày nơi đây gọi là "Hai Pỏ, Hai Mẻ". Bà Tam được chọn là người thuộc nhiều bài hát, có kinh nghiệm tổ chức lễ hội, là người dạy múa hát cho Cường, Sở và các nàng hầu. Hai Mẹ Cốc làm nhiệm vụ dẫn hát và chăm sóc Nàng Hai. Các các nàng hầu gồm 20-40 thiếu nữ, một nửa theo Cường đeo khăn Vàng, một nửa theo Sở đeo khăn đỏ, có nhiệm vụ mang lễ hộ tống các Nàng Hai lên mường trời dâng lễ vật, hát và tham gia các điệu múa quạt trong ngày kết thúc lễ hội. Ngày đưa Nàng Hai về trời còn có 2 Cụ Tiến là hai nam thanh niên chưa vợ.  Cụ Tiến cầm hai cành trúc dài trên ngọn có treo túi vải đựng trầu gọi là " Cỗ tiến" để các Cụ Tiến mang đi trước quét mở đường cho Nàng Hai làm lễ.

          Ngày mở đầu Hội, thầy Tào cùng Bà Tam, Mẹ Cốc, hai Cường, Sở đem lễ gồm mâm xôi gà đến hành lễ tại Miếu thổ công của làng để xin phép thành hoàng được tổ chức lễ hội và cho Nàng Hai xuống bản. Tại đây, Thầy tào cũng làm lễ gọi hồn Nàng Hai xuống hạ giới nhập vào hai Cường Sở. Sau đó, Nàng Hai sẽ về lều trại tập múa, hát để chuẩn bị cho ngày hội chính. Trong các đêm khoảng thời gian giữa hội nếu có các khách từ các làng khác đến thì sẽ dừng việc tập luyện để hát đối đáp giao lưu với khách và hàng đêm tại sân hội, dân bản cùng tụ tập lại để cùng nhau vui chơi.

          Ngày tiễn Nàng Hai về trời, đây cũng là ngày chính của hội, bà con trong thôn thịt 1 con lợn, 1 con gà để dâng lễ. Ngoài ra lễ vật còn có những chiếc thuyền gỗ được trang trí đẹp mắt, hai mâm xôi của Cường, Sở phủ lên trên những tấm vải hoa. Đặc biệt trong ngày Tiễn Nàng Hai, các hộ dân trong thôn sẽ đem đến 1 chiếc làn đựng hai bát xôi đỏ đen đắp thành ngọn đến dâng Mẹ Trăng, các lễ vật dâng mẹ được đặt trang trọng vào giữa sân hội có hàng rào bao quanh và được che bằng những tấm vải đen trắng. Những tấm vải còn được coi như những "cây cầu phép" để đưa lễ vật lên dâng các mẹ. Các lễ vật được thầy cúng làm phép "giải uế". Đồ lễ ở lều Nàng Hai còn có thêm 1 bồ đựng hạt giống, một bồ đựng bánh quánh và bánh hai.
Lễ vật dâng Mẹ Trăng trong lễ hội Nàng Hai thôn Chu Lăng xã Kim Đồng, huyện Thạch An. Ảnh: Chu Đức Hòa
Lễ vật dâng Mẹ Trăng trong lễ hội Nàng Hai thôn Chu Lăng xã Kim Đồng, huyện Thạch An. Ảnh: Chu Đức Hòa

Sáng sớm thầy cúng phụ trách lễ tại miếu thiêng đem lợn đến xin thần linh được phép tiễn Nàng Hai về trời, sau đó lễ được đem đến đặt tại khu vực sân khấu chính của hội. Buổi chiều diễn ra các hoạt động chính của hội Nàng Hai, thầy cúng lần lượt làm phép để dẫn dắt đoàn hành lễ đi qua các cửa: cửa thổ công, cửa thiêng, cửa động ma xấu, cửa xin Ngọc Hoàng, cửa cai quản ngũ hành, cửa bố của Nàng Hai, cửa chuông khánh, cửa Mẹ Hai, cửa mẹ phụ trách làm mưa, cửa xin Mẹ ban cho hạt giống, cây giống tốt. Trình tự lễ hội Nàng Hai diễn ra như sau: Đón Nàng Hai gồm lễ Tượng Chạ (là lễ gọi hồn nhập vào Cường, Sở), giải uế, cấm uế; Lên đường gồm  múa quạt và xem thuyền, hát lượn slương, mời slương, dọn đồ lên thuyền, đưa lễ vật dâng mẹ Trăng (là lễ khao hoa sau khi mang lễ vật lên mường trời các Nàng mở hội mời tất cả các Mẹ Trăng về dự); Kết thúc lễ hội gồm Chạ (lễ tạ), thu dọn sân hội, tống trại mẻ mành (làm lễ dỡ trại), vãi thúc théc (lễ gieo hạt - Nàng Hai ban phát hạt giống xin được ở mường trời, hay còn gọi là lễ gieo hạt);  Lễ tiễn Nàng Hai, đoàn người gánh các lễ vật dâng mẹ ra suối vừa đi vừa hát để làm lễ thả thuyền. Thầy tào làm phép thoát hồn Nàng Hai ra khỏi hai Cường Sở, kết thúc lễ hội.
 

Lễ Chạ ( lễ tạ ơn) trong lễ hội cầu mùa thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An. Ảnh: Chu Đức Hòa
Lễ Chạ ( lễ tạ ơn) trong lễ hội cầu mùa thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An. Ảnh: Chu Đức Hòa

Hội Nàng Hai có một bài lễ tụng dài với nhiều chương đoạn, miêu tả cuộc hành trình của đoàn người trần gian do Cường và Sở nhập hồn Nàng Hai dẫn đầu lên mường trời cầu mùa. Chẳng hạn như: " Lạy người  tháng 4 cho nước gieo mạ/ Tháng 5 cho nước ruộng/ Nước ruộng không để cho chờ đợi/ Nước ruộng mạ không để cho ngập". Hay như xin các mẹ hãy nhốt sâu bọ phá hoại mùa màng lại " Cấm sâu bọ không cuốn lá lúa/ Sâu bọ không quấn lá ngô/ Sâu mồm đen không cắt gốc lúa". Còn những động tác múa quạt của Nàng Hai và đoàn người hầu rất uyển chuyển, kết hợp nhịp nhàng giữa tay và chân như giật quạt, chéo chân tay, đòi hỏi sự khéo léo như "Múa lậy mâm hương", "Múa sluông ngắm thuyền", các bài múa diễn tả hành động lấy đồ lễ, các loại hoa, bánh quánh, bánh hai, múa cung tiễn đồ lễ dâng mẹ. Cuối cùng là bài "múa Chạ" (múa tạ ơn) tạ thổ công, làng xóm, chính quyền, khách gần xa...
 

Điệu múa quét trong lễ hội cầu mùa thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An. Ảnh: Chu Đức Hòa
Điệu múa quét trong lễ hội cầu mùa thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An. Ảnh: Chu Đức Hòa
Điệu Múa Sluông trong lễ hội cầu mùa thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An. Ảnh: Chu Đức Hòa
Điệu Múa Sluông trong lễ hội cầu mùa thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An. Ảnh: Chu Đức Hòa

Lễ hội Nàng Hai ở thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng là một lễ hội đặc sắc. Không gian tâm linh của lễ hội thực thực hư hư qua việc nhập hồn Nàng Hai xuống hạ giới và Nàng Hai dẫn đoàn người lên Mường trời qua các cửa thông qua trí tưởng tượng của trần gian được miêu tả qua nội dung các bài hát. Nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn các điệu múa sluông, hát lượn Hai của người Tày cổ và hình thức hát diễn xướng hợp ca khi Thầy Cúng hay Bà Tam hát mở đầu sau đó tất cả cùng hát theo tạo nên dàn xướng ca âm vang đầy lôi cuốn, người xem như bị mê hoặc theo các bài xướng ca, điệu múa quạt.     

          Hiện nay, mặc dù những quy định về việc chọn người tham gia hành lễ không còn nghiêm ngặt như xưa, nhưng bà con thôn Chu Lăng vẫn rất coi trọng lễ hội này, không chỉ là một lễ hội dân gian cầu mùa mà nó còn lưu giữ cả ước nguyện về một cuộc sống ấm no của nhân dân bao đời, là cả một không gian văn hóa vui tươi phấn khởi đáng trân trọng và tự hào. Tác giả bài viết có may mắn được gặp bà Nông Thị Chỉn, năm nay đã gần 70 tuổi, hồi thiếu nữ bà đóng vai Nàng Hai, trong những năm gần đây bà được dân làng tín nhiệm làm "Bà Tam" và bà lại tiếp tục truyền lại cho thế hệ trẻ những câu lượn Hai, những điệu múa quạt. Với dáng vẻ nhanh nhẹn, đôi mắt đầy niềm vui, tự hào " bà Tam" cất lên câu lượn Hai mượt mà: "Cốc khẩu cặn cốc khuông/ Ruồng khẩu cặn ruồng Pảng/ Tỷ pâu au thép au hải pây ton/ Tỷ các Mụ khỏa au pùa au khoan pây thẳm" (tạm dịch: Gốc lúa to bằng gốc cây Móc/ Bông lúa to bằng bông cây báng/ Chỗ khác lấy thép, lấy hái đi gặt/ Chỗ Hội Hai lấy búa, lấy khoan đi chặt lúa).

Nguồn tin: Hoàng Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây