Khảo sát, đánh giá điểm di sản mới trên tuyến thứ 4 (Thạch An), CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng

Thứ tư - 08/07/2020 22:18
Ngày 4 - 5/7, đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO do ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO làm trưởng đoàn đi khảo sát, đánh giá một số điểm di sản mới trên tuyến thứ 4, huyện Thạch An. Cùng đi có lãnh đạo, chuyên viên Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
thaicuong1
Đoàn chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đến khảo sát điểm đứt gãy kiến tạo, đới cataclazit, xã Thái Cường (Thạch An).
Khảo sát, đánh giá tuyến thứ 4, huyện Thạch An gồm có điểm di sản mới: Cảnh quan karst-panorama, Bản Muồng, xã Thị Ngân; xuất lộ nước thung lũng karst thôn Bó Dường và rừng cây di sản, xã Vân Trình; thung lũng karst và hợp tác xã nông sản sạch Vân An, Bản Vả, hang Ngườm Pục và thung lũng bản Siêu, xã Lê Lợi; di tích lịch sử cách mạng hang Nà Mẹc, xã Vân Trình; hóa thạch Lỗ tầng, xã Thái Cường; Bazan cầu gối đèo Khau Khoang; điểm tiếp xúc giữa gabarodiabas và đá vôi, Bản Lũng dưới, xã Thái Cường; điểm quan sát Đứt gẫy kiến tạo, đới cataclazit, cảnh quan karst-panorama và san hô lỗ tầng, xã Thụy Hùng; đứt gãy kiến tạo Cao Bằng - Tiên Yên và phun trào bazan, di tích lịch sử Cốc Xả, xã Trọng Con; hóa thạch san hô lỗ tầng và ranh giới địa tầng giữa hệ tầng Mia lé, hệ tầng Bản Páp thuộc bản Nà Soòng và cơ sở làm thạch đen xã Lê Lai; Di tích cứ điểm Đông Khê, thị trấn Đông Khê; Cụm di tích núi Báo Đông (Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh, cảnh quan karst Báo Đông và di tích Đài quan sát của Bộ Chỉ huy Chiến dịch biên giới năm 1950, di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch biên giới năm 1950), xã Đức Long.
thuyhung2
Đoàn chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khảo sát điểm xâm nhập nông granophyr phức hệ, xã Thụy Hùng (Thạch An).

Qua khảo sát, đoàn chuyên gia nhận định tuyến thứ 4 có nhiều điểm di sản có giá trị về kiến tạo địa chất; diện mạo địa chất đa dạng tạo thành cảnh quan đẹp hùng vĩ, thơ mộng. Đặc biệt, hệ thống hang Ngườm Pục là kiệt tác thiên nhiên ban tặng, tạo thành nhiều hình khối, nhũ đá cao khổng lồ nhiều màu sắc đẹp huyền bí. Các điểm di tích lịch sử, Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng biên giới 1950 gắn với diện mạo cảnh quan địa chất hùng vĩ làm tăng thêm giá trị, vẻ đẹp riêng có của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Đồng bào Dao Tiền, Nùng, Tày sinh sống trên các điểm di sản vẫn gìn giữ được văn hóa truyền thống hóa đặc sắc từ không gian kiến trúc, ẩm thực, nuôi trồng nhiều giống cây con bản địa quý hiếm như: thạch đen, lê, bí thơm, rau địa phương và sản xuất theo cây trồng hữu cơ gắn với bảo vệ thiên nhiên môi trường.

Các điểm di sản trên huyện Thạch An sẽ mở nhiều lợi thế cho CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và tỉnh kết nối du lịch với các tỉnh trong nước. Đoàn khuyến nghị, Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương quan tâm bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản để phục vụ cho phát triển du lịch bền vững và tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các khuyến nghị của CVĐC Toàn cầu UNESCO.

Sau đợt khảo sát, đánh giá, đoàn sẽ xem xét nghiên cứu các điểm di sản trên tuyến thứ 4, trình CVĐC Toàn cầu UNESCO bổ sung thêm điểm di sản mới vào CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trong thời gian tới.

Nguồn tin: Trường Hà (Nguồn: Báo Cao Bằng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây