Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói “Cao Bằng là quê hương thứ hai của tôi. Tình cảm của tôi đối với Cao Bằng cũng như tình cảm của tôi đối với bản thân quê hương tôi”. Sự nghiệp, công lao và những phẩm chất cao đẹp của Đại tướng mãi mãi trường tồn cùng thời gian và sống mãi trong trái tim đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Lã Vinh, Nguyên Trưởng phòng Thư ký Biên tập, Đài PT-TH tỉnh Cao Bằng - Người vinh dự được theo chân Đại tướng và gia đình trong dịp thăm lại nhân dân các dân tộc Cao Bằng năm 1994.
Nghe tin con đường mới rộng 58m, đẹp nhất thành phố Cao Bằng đã được gắn biển mang tên đường Võ Nguyên Giáp vào đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng. Tôi rất mừng bởi đây là sự tri ân xứng đáng, thể hiện tình cảm sâu nặng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng đối với vị tướng vì Nhân Dân (theo cách gọi thân thiết của nhân dân Việt Nam) mà các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới từng gọi là: Vị tướng lừng danh của thời đại. Tự nhiên tôi lại nhớ đến cuộc “Chiến đấu trong vòng vây” cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về cuộc chiến đấu thần kỳ mà Cao Bằng là nơi diễn ra nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt. Trang cuối cuốn sách Đại tướng kết luận: “Sẽ không có những kỳ tích của những năm chiến đấu trong vòng vây, nếu không có truyền thống đấu tranh bất khuất, tinh thần tự lực tự cường của dân tộc. Dựa vào sức ta để tự giải phóng cho ta. Có dân thì có tất cả”.
Tầm vóc vĩ đại của kháng chiến trường kỳ đã được một vị tướng thao lược trực tiếp chỉ huy, nhìn nhận và lý giải một cách đơn giản, khiêm nhường. Tôi cảm nhận “Chiến đấu trong vòng vây” là sự tiếp nối liền mạch “Từ nhân dân mà ra” cuốn hồi ký của Đại tướng viết từ năm 1964, những năm còn học sinh phổ thông tôi đã mải đọc say sưa đến độ làm cháy cả nồi cơm trên bếp lửa; bởi những nhân chứng chân thật và sự kiện gần gũi xảy ra trên chính quê huơng của mình, được viết ra một cách trung thực dễ hiểu và hấp dẫn. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ cả những phụ đề rất ấn tượng như “Từ hòn than hồng đến ngọn lửa’’; “Con thuyền cách mạng đang luồn qua những mỏm đá ghềnh lướt tới”.
Mãi sau này, Năm 1994 khi có dịp được gặp Bác Giáp, Tôi cùng đạo diễn Đường Minh Giang làm cuốn phim “Tướng Giáp với Cao Bằng, Cao Bằng với tướng Giáp”, chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu: Tại sao Tướng Giáp gắn bó với Cao Bằng và nhân dân các dân tộc Cao Bằng lại gần gũi thân mật với cả gia đình Bác Giáp đến thế. Mọi chuyện đúng là bắt đầu “Từ nhân dân mà ra” như chính Bác Giáp đã kể lại: Có những lần bị sốt rét toàn thân run cầm cập, sốt nóng phát ban ngủ ly bì, bà con bươn chải tìm thầy lang, hái lá cây về sắc thuốc uống, mấy ngày tỉnh lại thấy mặt mày hốc hác, phờ phạc cả xóm chắt chiu gom góp từng quả trứng gà, trứng chim nấu cháo cho ăn. Có lần vừa vào nhà dân, mật thám lính dõng đã ập đến, chủ nhà nhanh trí đẩy vào phòng con dâu mới cưới, đắp chăn bắt nằm im… Nếu không có sự che chở nuôi dưỡng của bà con dân bản thì dẫu không sa cạm bẫy của quân thù, cũng chết vì đói khát bệnh tật. Những năm tháng gian khổ ấy, mọi người sống với nhau bằng sự tín tâm và cả quyết tâm đi theo con đường tranh đấu.
Còn tại sao lại chọn Cao Bằng?. Dĩ nhiên Cao Bằng là vùng đất biên cương giàu truyền thống đoàn kết đánh giặc giữ nước, từ xa xưa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phán bảo “Cao Bằng thốn thổ khả dung sổ thế” (có nghĩa là: “Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể khởi nên nghiệp lớn”) đúng là vùng đất giao hòa địa linh, nhân kiệt… Có một cuộc gặp tiền định như câu nói lan truyền có duyên kỳ ngộ. Năm 1940 khi Bác Hồ đang tìm đường trở về Tổ quốc và Võ Nguyên Giáp từ trong nước đi ra tìm bộ phận lãnh đạo của Trung ương Đảng ở hải ngoại gặp nhau ở Thúy Hồ. Anh Văn nhìn thấy Nguyễn Ái Quốc toát lên một niềm tin tỏa sáng. Còn Bác Hồ sớm cảm nhận ở chàng thư sinh trắng trẻo, đẹp trai tiềm ẩn một nhân cách và tài năng chính trị quân sự song toàn . Từ Côn Minh về Trịnh Tây, khi tiếp xúc với 40 thanh niên Việt Nam đang theo học ở Đệ Tứ chiến khu của Quốc dân Đảng, Bác nói với anh Văn phải tìm cách đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào ở Cao Bằng “Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng Việt Nam”. Mọi chuyện đã diễn ra như dự tính, lớp thanh niên theo về có nhiều con em Cao Bằng như Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung, Bằng Giang… Sau này đều trở thành tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam.
Mùa xuân năm1941, lần đầu tiên đặt chân đến đầu nguồn Pác Bó nhìn cảnh non nước điệp trùng địa thế cao sâu liền mạch: Đây suối Lê Nin kia núi Mác / Hai tay gây dựng một sơn hà. Câu thơ tức cảnh sơn thủy hữu tình , nhưng chứa đụng hàm ý sâu sắc là niềm tin và dự định đi tới tương lai dứt khoát khẩn trương và chắc chắn
Chỉ bốn tháng sau tại lán Khuổi Nặm. Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị lần thứ 8 quyết định chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng Mặt trận Việt Minh (hình thức sơ khai của chính quyền nhân dân) được triển khai thực hiện thí điểm ở các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, với sự hỗ trợ trực tiếp của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh. Tỉnh ủy Cao Bằng đã nhanh chóng đưa phong trào Việt Minh phát triển rộng khắp, thành những châu, những xã hoàn toàn , tạo nền tảng vững chắc để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Thành lập đội Việt Nam tuyên truyên giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên, đấy là công việc hệ trọng cấp bách nhưng được Bác và Trung ương Đảng quyết định bằng mấy câu ngắn gọn thể hiện sự tin tuỏng vững chắc: Việc này giao cho chú Văn phụ trách. Phải tìm một nơi Tiến khả dĩ công, Thoái khả dĩ thủ.
Từ Pác Bó, anh Văn lặn lội đi về các châu, các xã, sâu sát đến tận thôn bản, xóm làng thực hiện ba cùng với bà con nhân dân, học ăn, học nói tiếng dân tộc, mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cấp tốc… Trong hồi ký “Ánh sáng đây rồi”, ông Nông Văn Lạc cán bộ lão thành cách mạng (chủ nhân của ngôi nhà bị Pháp chiếm làm đồn Phai Khắt) cho biết: Anh Văn luôn mang theo tập tài liệu: “Con đường giải phóng” còn dịch cả “Kinh năm chữ của Việt Minh”) ra tiếng Tày Nùng (Việt minh kinh hả dử), Mông Dao (Việt Minh pya rạng sâu) để đồng bào dễ đọc, dễ hiểu, tạo thành phong trào học tập sâu rộng khắp vùng Gia Bằng,Tam Lộng, Kim Mã , Cẩm Lý chiến khu Thiện Thuật… Ai nấy đều cưu mang đùm bọc, quý trọng anh Văn, cam kết lời thề một lòng, một dạ đi theo cách mạng kháng chiến, tạo thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa, để thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng) ngay tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình. Mỗi lần lên núi Slam Cao nhìn về làng Phai Khắt rõ trong tầm mắt, hẳn ai cũng nghĩ việc lựa chọn vị trí ra quân ngay sát nách đồn địch là một quyết định quả cảm, táo bạo bất ngờ. Phải chăng dưới chân đèn là nơi tối nhất trong nghệ thuật binh pháp đã được Bác Giáp vận dụng một cách tài tình để đi đến thành công.
Cao Bằng trở thành chiếc nôi của mặt trận Việt Minh, chiếc nôi của lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tạo thế và lực mới, thúc đẩy thời cơ, mở đường về xuôi, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. “Từ nhân dân mà ra” đã được vị tướng tài ba đúc kết từ chính thực tiễn hoạt động đầy khó khăn gian khổ, hy sinh xương máu của biết bao đồng bào, đồng chí. Đó thực sự là “Những năm tháng không thể nào quên” …
Đất nước vừa giành độc lập tự do, nhưng thực dân Pháp chưa từ bỏ dã tâm xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi khẩn thiết: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Toàn quốc kháng chiến, cả nước đồng tâm, quyết chí vùng lên đánh giặc cứu nước. Trên đường trở lại núi rừng Việt Bắc với tầm nhìn chiến lược và niềm tin sâu sắc ở nhân dân các dân tộc. Bác Hồ tiên định: Cách mạng từ Việt Bắc mà thành công, kháng chiến sẽ từ Việt Bắc mà thắng lợi.
Tháng 8 năm 1947, Bác Giáp đến Cao Bằng mà “cảm thấy như trở lại quê nhà, các đồng chí và bà con từ nhiều nơi kéo đến rất đông”; vốn tiếng Tày, Nùng, Mông, Dao lại có dịp sử dụng trìu mến thân thương. Với góc nhìn của một vị tổng chỉ huy quân đội, Bác Giáp nhận định: Vị chiến lược của đường số 4 là quyết tử, quyết sinh và Cao Bằng sẽ là điểm đột phá vòng vây khởi đầu cho những chiến công. Một nhận định sáng suốt hàm chứa cả niềm tin và sự ứng nghiệm linh thiêng của vùng đất khởi nghiệp hào hùng.
Những năm tháng “Chiến đấu trong vòng vây” Cao Bằng trở thành chiến trường trải nghiệm thử thách khắc nghiệt trước âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp và chiến lược trường kỳ kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta. Chỉ hai tháng sau quân Pháp nhảy dù đánh chiếm Cao Bằng, ngày 9/10/1947 trận địa phòng không trên đồi Thiên Văn đã bắn rơi chiếc máy bay của đại tá Lăm be - Phó Tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương và 12 sĩ quan tham mưu bị tiêu diệt, thu gọn toàn bộ kế hoạch tấn công Việt Bắc. Chiến công vang dội vượt tầm của một trận đánh, làm phá sản cả chiến thuật hai gọng kìm bí mật, bất ngờ, bao vây chia cắt, chụp bắt cơ quan lãnh đạo kháng chiến mà bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã dày công xây dựng.
Đường số 4 oai hùng trở thành nơi thực hành vận động chiến và nguồn cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Cao Bằng, càng đánh càng trưởng thành lớn mạnh, từ những Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung lên thành các Đại đoàn quân chủ lực Tiên Phong ,Vinh Quang, Quyết thắng … tạo ra cục diện mới cho ta mở Chiến dịch Biên giới 1950, hạ đồn Đông Khê, tiêu diệt một lúc hai binh đoàn thiện chiến Lơ Pa giơ và Sác-tông; giải phóng Cao Bằng, mở rộng tuyến vành đai biên giới kéo dài đến Lạng Sơn, Quảng Ninh; chuyển thế cầm cự, phòng ngự sang thế phản công, chủ động lựa chọn trên chiến trường chính, tiến tới trận Điện Biên Phủ toàn thắng kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp
Nhìn lại những năm tháng chiến đấu trong vòng vây, nếu có thể nói Chiến tranh là một khoa học và nghệ thuật, thì những quyết định của Bác Giáp từ khi chọn nơi làm lễ ra quân ở rừng Trần Hưng Đạo, quyết định đánh Đông Khê trong chiến dịch biên giới; quyết định kéo pháo ra để đánh chắc, tiến chắc thắng ở Điện Biên Phủ… đã chứng tỏ tài năng thao lược của Bác Giáp thực sự là đỉnh cao của khoa học nghệ thuật quân sự và quan điểm chiến tranh nhân dân.
Còn nhớ một lần tại quê nhà, Bác Giáp ở ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình phỏng vấn ông Ha vit Gây giơ chuyên gia quân sự của Israel tôi hỏi: Động cơ nào thôi thúc ông từ một đất nước xa xôi đến đây? Ông trả lời: Đất nước tôi còn chiến tranh, từ lâu tôi đã ngưỡng mộ tướng Giáp, một người không chỉ biết chiến đấu, mà còn biết cách dập tắt chiến tranh. Còn ông Béc man - Giáo sư sử học người Mỹ thì đánh giá: Tướng Giáp là một thiên tài quân sự, một người hàn gắn hòa bình, một vị tướng lừng danh của mọi thời đại…
Người Cao Bằng luôn nhớ mỗi lần về Bác Giáp về thăm: Tôi là Văn đây! Bại pỉ noọng nhằng mì rèng bấu. Chứ lai chứ mại ơ … Những câu nói mộc mạc giản dị đã để lại trong lòng nhân dân các dân tộc những ấn tượng sâu sắc. Tôi cũng đã từng chứng kiến sau ngày Đại tướng về nơi vĩnh hằng, anh Võ Hồng Nam, con trai của Đại tướng vẫn thường xuyên lên thăm Cao Bằng, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ xây dựng một số công trình phúc lợi và gia đình có công ở các xã Tam Kim, Hoa Thám (Nguyên Bình). Một mối quan hệ tự nguyện thân tình, nồng ầm nhân văn.
Vinh dự cho Cao Bằng nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đội quân cách mạng non trẻ đã từng sống và chiến đấu trong vòng vây quân thù, tất cả cùng đồng cam cộng khổ, trên dưới một lòng gây dựng thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tướng Giáp nhớ Cao Bằng, nhân dân các dân tộc Cao Bằng kính trọng và biết ơn Tướng Giáp - Vị tướng Vì nhân dân. Đó là lẽ tự nhiên gắn bó bền chặt, được vun đắp từ những năm tháng không thể nào quên.