SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC MỞ RỘNG RANH GIỚI CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT NON NƯỚC CAO BẰNG-TÍNH ĐA DẠNG VỀ ĐỊA MẠO VÀ DI SẢN ĐỊA CHẤT

Thứ hai - 30/11/2020 00:20
CVĐC Non Nước Cao Bằng được UBND tỉnh Cao Bằng thành lập ngày 22/12/2015 và được công nhận là CVĐCTC UNESCO ngày 12/04/2018. CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, diện tích 3.275 km2, bao gồm địa giới hành chính của 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An.
Theo các Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 và 897/NQ-UBTVQH14 lần lượt vào các ngày 10/01/2020 và 11/02/2020 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, huyện Thông Nông được sáp nhập vào huyện Hà Quảng; huyện Phục Hòa, huyện Quảng Uyên và xã Quốc Toản thuộc huyện Trà Lĩnh được sáp nhập thành huyện Quảng Hòa; và phần còn lại của huyện Trà Lĩnh được sáp nhập vào huyện Trùng Khánh.
Vì vậy CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng hiện tại bao gồm địa giới hành chính của các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An, với tổng dân số khoảng 250.000 người.
Tuy nhiên, chính quyền và cộng đồng địa phương tỉnh Cao Bằng còn muốn CVĐC Non Nước Cao Bằng đóng vai trò đáng kể hơn nữa trong việc đưa cả tỉnh Cao Bằng tiến lên vững chắc trên con đường phát triển bền vững, và với phạm vi, diện tích như hiện tại, mong muốn đó chưa thực sự khả thi, vì CVĐC Non Nước Cao Bằng chưa:
  • Bao gồm Thành phố Cao Bằng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Cao Bằng, nơi tập trung các cơ quan đầu não, lực lượng nhân lực có trình độ, phần lớn cơ sở hạ tầng, trung tâm thông tin, các doanh nghiệp, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ..., nơi xuất phát của tất cả các tuyến tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh, và hơn nữa, đầu mối kết nối, giao thương với quốc tế và các địa phương trong nước. Đây đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa, DSĐC có giá trị, cần được bảo tồn và phát huy giá trị;
  • Bao gồm quốc lộ 4A là tuyến giao thông huyết mạch nối Cao Bằng với Lạng Sơn và các tỉnh duyên hải Quảng Ninh, Hải Phòng...., cũng là những trung tâm du lịch lớn của vùng Đông Bắc cũng như của cả nước;
  • Kết nối được khu di tích quốc gia đặc biệt thứ ba của tỉnh Cao Bằng - Cụm di tích chiến thắng biên giới 1950, cũng như rất nhiều giá trị di sản văn hóa, DSĐC khác, đặc biệt là các biểu hiện điển hình nhất của đới đứt gãy sâu Cao Bằng-Tiên Yên;
  • Khiến cho mô hình CVĐC phát triển cân đối, có tác dụng lan tỏa trong phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực phía nam tỉnh và xung quanh Thành phố Cao Bằng;
  • Khiến cho việc triển khai thực hiện các chiến lược tổng thể kinh tế-xã hội và phát triển ngành của tỉnh Cao Bằng nói chung và CVĐC Non Nước Cao Bằng nói riêng được diễn ra một cách thuận lợi...
Ngay từ khi thành lập CVĐC Non Nước Cao Bằng, đặc biệt là từ khi CVĐC này được UNESCO công nhận và chứng kiến những hiệu ứng tích cực nhận được, chính quyền và cộng đồng địa phương tỉnh Cao Bằng đã nhận thức được những vấn đề kể trên và mong muốn được mở rộng thêm quy mô, phạm vi, diện tích của CVĐC. Với sự giúp đỡ của các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế, công tác điều tra, khảo sát, đánh giá tổng thể các giá trị di sản, các vấn đề, thách thức có thể sẽ gặp phải, tính khả thi, khả năng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của UNESCO và các phương án mở rộng CVĐC, UBND tỉnh Cao Bằng, UBND các huyện liên quan và cộng đồng địa phương, Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng đã đi đến quyết định mở rộng phạm vi CVĐC Non Nước Cao Bằng với các thông tin chi tiết dưới đây.
 Phần mở rộng của CVĐC Non Nước Cao Bằng

TT

Thành phố/ huyện

Phường/Xã

Dân số (người)

Diện tích (km2)

1

Toàn bộ Thành phố Cao Bằng

08 phường Hợp Giang, Sông Bằng, Tân Giang, Sông Hiến, Đề Thám, Ngọc Xuân, Duyệt Trung và Hòa Chung và 03 xã Chu Trinh, Hưng Đạo và Vĩnh Quang

134.698

107,6

2

Thạch An

Xã Kim Đồng

3.116

54,14

3

Hòa An

Xã Quang Trung

2.646

48,46

4

Xã Hồng Nam

1.554

34,7

5

Quảng Hòa

Xã Ngọc Động

4.190

48,48

6

Phụ tổng phần mở rộng

146.204

146,204

7

Quy mô CVĐC Non Nước Cao Bằng hiện tại

250.000

250,000

8

Tổng cộng CVĐC Non nước Cao Bằng kể cả mở rộng

~438.000

~3.570

Diện tích Công viên địa chất non nước Cao Bằng đề xuất mở rộng

Việc mở rộng ranh giới CVĐC sẽ giúp CVĐC Non nước Cao Bằng đáp ứng được tốt hơn các tiêu chí đối với một CVĐC toàn cầu UNESCO. Diện tích xin đề xuất mở rộng có chứa đựng những giá trị đặc sắc về đặc điểm địa chất-địa mạo, di sản địa chất, di sản văn hoá vật thể, phi vật thể và đa dạng sinh học giúp nâng cao sự đa dạng về các loại hình di sản của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
z2183766734303 bdce17e6d63b323030fffa0bab60fd03
Hóa thạch trong trầm tích Neogen.
z2183766730887 5607226358b616f7c11f0fd56a4b200c
Hóa thạch San hô và Lỗ tầng trong đá vôi sinh vật màu đen thuộc tập 1, hệ tầng Bản Páp tại điểm khảo sát CBG407, xã Thụy Hùng, Thạch An.

Đặc điểm địa chất-địa mạo: Trong diện tích CVĐC mở rộng, có mặt các hệ tầng Thần Sa (ℇ3ts), Bắc Bun (D1bb), Mia Lé (D1ml), Bản Páp (D1-2bp), Lũng Nậm (C1ln), Bắc Sơn (C-P2bs), Bằng Giang (P3-T1bg), Sông Hiến (T1sh), Cao Bằng (N13cb) và các trầm tích bở rời đa nguồn aluvi-proluvi, eluvi-deluvi, travertine hệ Đệ tứ.


Di Sản địa chất: Đã xác định được 47 biểu hiện DSĐC thuộc nhiều kiểu loại, thể hiện rất rõ lịch sử tiến hóa địa chất ở khu vực này, chủ yếu liên quan đến các hoạt động của đới đứt gãy sâu Cao Bằng-Tiên Yên, như các hoạt động tách dãn tạo rift, dịch trượt, các hoạt động magma-khoáng sản liên quan, các hoạt động sông-hồ cổ và nâng tân kiến tạo... Trong số này:
  • Di sản cổ sinh (kiểu A): 02 điểm hóa thạch thân mềm Neogene trong bồn trũng Cao Bằng
  • Di sản đá (kiểu D): 06 điểm minh họa các đá xâm nhập siêu mafic phức hệ Cao Bằng, đá vôi hệ tầng Bắc Sơn và đá phun trào ryolit hệ tầng Sông Hiến.
  • Di sản địa tầng (kiểu E): 06 điểm thể hiện mối quan hệ địa tầng giữa đá vôi với các đá xâm nhập và đá trầm tích, các vết lộ Neogen...
  • Di sản địa mạo (kiểu B): 17 điểm chủ yếu thể hiện các dạng địa mạo-cảnh quan karst như: cảnh quan karst già, karst trẻ, hang động karst, nón karst và một số địa hình bóc mòn.
  • Di sản kiến tạo (kiểu I): 07 điểm, thể hiện dấu tích của hoạt động đứt gãy trong khu vực như các vách đứt gãy, đới phá hủy kiến tạo.
  • Di sản cổ môi trường (kiểu C): 07 điểm, là dạng DSĐC nổi bật trong phạm vi CVĐC mở rộng, là minh chứng cho môi trường hồ cổ khu vực Tp. Cao Bằng.
  • Di sản khoáng vật, khoáng sản (kiểu F) và kinh tế địa chất (kiểu H): 03 điểm, là các mỏ khoáng sản nội sinh nhóm Cu-Ni-Pt và sắt magnetite skarn.
Với những giá trị quan trọng về địa mạo và di sản địa chất như vậy khu vực đề xuất mở rộng để bổ sung vào vùng CVĐC sẽ mang lại những giá trị tích cực và giúp đa dạng hoá, bổ sung các giá trị về địa mạo cũng như các loại hình di sản địa chất trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Nguồn tin: Trần Thùy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây