Nơi lưu giữ những làn điệu dân ca

Thứ ba - 16/04/2019 04:05
Ảnh: Báo Cao Bằng
Ảnh: Báo Cao Bằng

Cao Bằng - vùng đất có bề dày văn hóa và truyền thống cách mạng, non nước hữu tình với những phong tục sinh hoạt văn hóa cùng nhiều làn điệu dân ca phong phú, đằm thắm, thể hiện lẽ sống, đạo đức, tình cảm của các dân tộc, nhưng trong dòng chảy của xã hội, những làn điệu dân ca ngày nay đang dần mai một. Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc (BTDCCDT) tỉnh đang nỗ lực gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa và truyền thụ cho thế hệ trẻ.

 

 

Câu lạc bộ dân ca thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa). Ảnh: Thủy Tiên

Bà Vi Thị Hiếu năm nay đã 60 tuổi nhưng đều đặn thứ Năm hằng tuần đạp xe đến Văn phòng Hội BTDCCDT tỉnh tham gia sinh hoạt thường kỳ. Gắn bó với những làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng từ tấm bé, bà Hiếu yêu, đam mê và hiểu nhiều về dân ca của dân tộc mình. Với vốn hiểu biết về hát then, bà Hiếu là người có đóng góp rất lớn cho Hội trong việc bảo tồn và khôi phục một số làn điệu then cổ của dân tộc Tày. Không chỉ được thể hiện tài nghệ của mình, bà cùng các hội viên trong Hội tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các làn điệu dân ca cho mọi người. 
Còn đối với em Nguyễn Hà Nhật Anh, một trong những hội viên trẻ nhất của Hội, niềm yêu thích đối với các làn điệu then đến một cách rất tự nhiên khi em được theo dõi và thưởng thức các màn biểu diễn then. Gắn bó với Hội đã gần 5 năm, Nhật Anh giờ có thể đánh đàn tính thuần thục, hát được nhiều điệu dân ca truyền thống. Chị Hà Thị Thu Hằng, mẹ của Nhật Anh chia sẻ: Thấy con gái có năng khiếu ca hát, tôi đã đăng kí cho con tham gia Hội BTDCCDT để con hiểu biết thêm về dân ca. Khi thực sự trở thành hội viên, được tập luyện và chứng kiến sự đam mê và nhiệt huyết của các cô, các bác trong Hội, Nhật Anh như được "truyền lửa" và càng thêm hiểu, thêm yêu mến các làn điệu dân ca. 
Hội BTDCCDT tỉnh được thành lập với mục tiêu trở thành tổ chức Hội tập hợp những người có tâm huyết và tự nguyện để bảo tồn và phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trên lĩnh vực dân ca. Những ngày đầu, Hội chỉ có 70 hội viên, hiện nay đã tăng lên 1.750 hội viên sinh hoạt tại các phân chi hội thuộc 9 huyện, Thành phố. Thông qua các hoạt động của mình, Hội BTDCCDT tỉnh từng bước tạo dấu ấn quan trọng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn nghệ dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, không ngừng nâng cao tính nhân văn, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội.
Hiện nay, không gian diễn xướng của dân ca dần mất cùng với sự phát triển của xã hội, của nền kinh tế thị trường; các nghệ nhân truyền nghề cũng mai một dần với thời gian. Do vậy, tạo không gian cho dân ca phát triển là một trong những bước đi đúng đắn của Hội trong nỗ lực bảo tồn và khai thác, phát huy vốn dân ca phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc các dân tộc Cao Bằng. Không gian đó trước hết được thể hiện qua rất nhiều hình thức biểu diễn, truyền dạy, sân khấu hóa, phát triển ca khúc dựa trên chất liệu dân ca, sáng tạo các làn điệu mới... 
Từ khi thành lập đến nay, Hội có hàng trăm tiết mục dân ca được sáng tác mới và dàn dựng biểu diễn trong các chương trình mừng Đảng, mừng Xuân, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh. Dân ca được đưa về các địa phương thông qua phối hợp với hoạt động “Đưa văn hóa thông tin về cơ sở” của Phòng Văn hóa  - Thông tin các huyện, Thành phố; thường xuyên tổ chức các hội diễn, hội thi văn nghệ, giao lưu giữa các chi hội, phân chi hội trong tỉnh và với tỉnh bạn. Năm 2018, Hội tổ chức lớp truyền dạy dân ca then, tính, các làn điệu tại Thành phố, Trùng Khánh, Hạ Lang, Thông Nông, Nguyên Bình… cho hơn 500 học viên đam mê với dân ca.
Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội BTDCCDT tỉnh cho biết: Tại các chương trình biểu diễn dân ca, lượng người xem dần đông lên, nhiều người yêu thích. Điều này có nghĩa là dân ca đã có sự lan tỏa, được công chúng đón nhận. Tuy kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn hội phí đóng góp tự nguyện của các hội viên, Tỉnh hội chỉ hỗ trợ chuyên môn cho các phân chi hội dân ca thành lập mới, nhưng thời gian qua, nhiều phân chi hội hoạt động hiệu quả, chủ động duy trì sinh hoạt, vận động xã hội hóa, nhận được sự ủng hộ và vào cuộc của chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Mỗi hội viên là một tuyên truyền viên tích cực, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở xã, phường, thôn bản, trở thành lực lượng văn nghệ quần chúng nòng cốt, góp phần phổ biến các làn điệu dân ca đến đông đảo nhân dân.
Gìn giữ, phát triển văn hóa nói chung và dân ca các dân tộc nói riêng là một hành trình lâu dài và nhiều thử thách. Nhưng bằng tinh thần tự nguyện, bằng sự tâm huyết với văn hóa dân tộc, các thành viên Hội BTDCCDT tỉnh vẫn miệt mài tập luyện và truyền dạy cho thế hệ tương lai để những khúc dân ca của các dân tộc lại vang lên, hòa điệu thành nhịp xuân vui tươi, ấm áp trên khắp miền non nước Cao Bằng.


 

Nguồn tin: Lương Thanh - Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây