TRUYỀN THỐNG HƯỚNG VỀ CỘI NGUỒN MỖI DỊP TẾT THANH MINH Ở CAO BẰNG

Thứ hai - 27/04/2020 10:22

Hàng năm, cứ đến tháng 3 Âm lịch đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng lại tất bật sắm sửa đón Tết Thanh Minh. Đây là phong tục đẹp, là dịp để anh em họ hàng quây quần, họp mặt tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, những người thân đã mất và nhắc nhau nhớ về cội nguồn.

Ngày Tết Thanh Minh còn gọi là “so slam, bươn slam” (tức mùng Ba tháng Ba âm lịch) gắn với phong tục tảo mộ là dịp để mọi người đi sửa phần mộ của tổ tiên, dòng họ mình. Đồ lễ đặc trưng không thể thiếu là món " khẩu nua đăm đeng" đây là món xôi nhiều màu sắc, được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ nhuộm từ các loại lá cây như cây cẩm, sâu sâu, bóc phón… tạo nên các màu sắc sặc sỡ: đỏ, đen, xanh, tím, vàng… trông rất bắt mắt. Xôi được nắm vào bát nhỏ, nặn thành chóp như ngọn núi. Ngoài ra mâm lễ còn có thịt gà, thịt lợn, cá, hoa quả, bánh kẹo, rượu, vàng mã…Với không khí tất bật, sau khi làm lễ tại bàn thờ gia tiên, mọi người cùng nhau chuẩn bị đồ lễ và đem theo dụng cụ cuốc, xẻng, dao đi đến địa điểm phần mộ của tổ tiên, người thân trong họ. Khi đến nơi công việc đầu tiên là làm sạch cỏ và quét dọn sạch sẽ cho những nấm mộ sau đó đặt mâm lễ cúng và cắm cây nêu để thông báo công việc đã hoàn thành. Sau khi kết thúc phần dâng lễ, các con cháu trong dòng họ quây quần cùng nhau ăn uống ngay tại khuôn viên khu mộ hoặc tại gia đình nhà trưởng họ. Thế hệ trước kể lại cho thế hệ sau về tổ tiên, ông cha của dòng họ mình và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của người đã khuất. Đây cũng là dịp đầu năm mà họp mặt đông đủ anh em họ hàng để hàn huyên về những chuyện của năm qua và cầu mong cho hương hồn tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, thành đạt.

Tết Thanh Minh không chỉ là dịp gặp gỡ ôn lại cội nguồn của mỗi dòng họ mà nó còn là dịp tết gắn kết cộng đồng. Nổi tiếng nhất là Lễ hội Sinh Mình của người Nùng An tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, được tổ chức vào ngày tiết thanh minh theo nông lịch hàng năm. Tương truyền rằng lễ hội gắn liền với câu chuyện tình thủy chung, trong sáng của đôi trai gái, vì hủ tục lạc hậu phong kiến ngày xưa mà họ đã phải rủ nhau tự vẫn để mãi mãi bên nhau. Lễ hội Sinh Mình diễn ra là dịp để người Nùng An tạ lễ thần nông và cầu mong một năm mùa màng bội thu. Lễ hội còn là nơi hội về của những người con xa quê, của du khách thập phương, mọi người cũng nhau trẩy hội, chơi những trò chơi dân gian, những cặp đôi gặp gỡ trao nhau những câu hát giao duyên cầu phúc về một tình yêu đôi lứa hạnh phúc…
Thanh minh
Lễ tảo mộ của dòng họ Mông tại huyện Trùng Khánh

Điều đặc biệt vào mỗi dịp Tết Thanh Minh tại một số làng bản, bà con còn cùng nhau đến lễ tạ Thổ Công, tưởng nhớ công ơn Thổ Công lập địa, lập xóm và cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, mọi người dân trong xóm đều có sức khỏe, trí tuệ, làm ăn thuận lợi. Như lễ Thổ Công ở xóm Kéo Sy, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang tại ngôi miếu dưới gốc cây sưa cổ thụ người dân vẫn quen gọi là miếu "Cốc mạy". Trước ngày lễ nhân dân trong xóm sẽ cùng nhau họp lại để phân công nhiệm vụ cho từng hộ dân chuẩn bị các đồ lễ cúng, vệ sinh, quét dọn miếu và chuẩn bị bữa cơm chung. Ngoài việc mỗi hộ sẽ đóng góp một khoản tiền nhỏ để mua đồ lễ bao gồm 1 bộ thủ lợn, 1con gà, nhang, tiền vàng mã, cây nêu, rượu trắng, gạo nếp và thịt lợn thì điều đặc biệt là mỗi hộ sẽ góp một bơ gạo để nấu một nồi cháo trắng. Lễ cúng Thổ công thường tổ chức vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 tháng 3 Âm lịch. Khi mà các công việc chuẩn bị trong ngày đã hoàn tất, đến chiều tối đại diện các hộ đều ăn mặc gọn gàng và tự mang theo bát đũa để ăn bữa cơm chung. Tại đây, trưởng xóm sẽ tổ chức điểm danh từng hộ dân và giới thiệu đại diện tổ phục vụ thông qua nội dung đóng góp, thu chi trước Thổ Công, xin phép toàn thể mọi người được thực hiện nghi lễ cúng. Người đại diện xóm cảm tạ Thổ công và cầu xin phước lộc và vụ mùa bội thu. Trong không khí linh thiêng và tấm lòng thành kính mọi người lần lượt thắp hương, rót rượu, hóa tiền vàng và cắm cây nêu. Khi kết thúc buổi lễ bà con xếp hàng trang nghiêm cùng nhau vái lạy Thổ công 3 lần. Phần lễ kết thúc mọi người cùng nhau ngồi lại ăn bữa cơm chung, múc cho nhau những bát cháo trắng, san sẻ phần lộc của Thổ Công, chúc nhau những chén rượu nồng. Bữa cơm chiều giản dị dịp Thanh Minh đó là bữa cơm đặc biệt với nồi cháo trắng mang ý nghĩa của sự đoàn kết mọi người gạt bỏ khúc mắc trong cuộc sống hàng ngày, để ngồi lại với nhau tạo nên không khí linh thiêng gắn bó bao đời giữa tình làng nghĩa xóm.

Truyền thống hướng về cội nguồn của người Việt nói chung và của đồng bào các dân tộc miền non nước Cao Bằng nói riêng là một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, các thế hệ nối tiếp nhắc nhở nhau nhớ về truyền thống quê hương, cội nguồn nó như một ngọn lửa âm ỉ góp phần bùng lên tinh thần đoàn kết, tình yêu với quê hương, tạo nên sức mạnh cộng đồng vượt qua những khó khăn, thử thách.

Nguồn tin: Đức Trọng - H. Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây