Những ngày tháng 5 lịch sử, cùng với người dân cả nước mang trong mình niềm xúc động trào dâng hướng về ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ mảnh đất địa đầu Tổ quốc, đoàn công tác chúng tôi đã có chuyến đi vượt gần 2.000 km đến dải đất phương Nam gặp gỡ người họa sĩ đã có những bức họa để đời về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc khi Người sống và hoạt động tại mảnh đất cách mạng Cao Bằng
Đoàn công tác tỉnh Cao Bằng chụp ảnh cùng họa sĩ Trịnh Phòng.
Ngôi nhà của họa sĩ Trịnh Phòng nằm ở đường 20 - Dương Quảng Hàm, phường 5, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh thoáng mát và rộng rãi. Trong nhà, nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng của ông được treo ngay ngắn và trang trọng, nổi bật là bức tranh sơn dầu “Bác Hồ làm việc ở Pác Bó - Cao Bằng” vô cùng thần thái và giàu cảm xúc. Bước vào cái tuổi 103 - xưa nay hiếm, sức khỏe cũng đã yếu dần nhưng trí nhớ của ông vẫn minh mẫn, giọng nói chậm rãi, từ tốn. Biết được tình cảm cũng như ý nguyện của đoàn khách đến thăm, ông vô cùng mừng rỡ, trong câu chuyện thân tình có rất nhiều khoảng lặng bởi những hồi ức, những kỷ niệm đan xen bất chợt ùa về.
Họa sĩ Trịnh Phòng tên thật là Trịnh Bá Phòng (Hồng Điền) sinh năm 1922 tại Hà Nội. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ Hà Nội; nguyên là giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1956 - 1971 và Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1987 - 1995. Tham gia cách mạng năm 1945 với vai trò là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa; trong những năm tham gia kháng chiến và cho đến sau này, đề tài xuyên suốt tác phẩm của ông là tinh thần đoàn kết, căm thù thực dân đế quốc, ra sức chiến đấu; tinh thần hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân 3 miền: Bắc, Trung, Nam… Đặc biệt, ông vô cùng tâm huyết với đề tài về Bác Hồ; giành nhiều thời gian nghiên cứu để làm sao vẽ Bác giống nhất, những nét vẽ lột tả được phong thái, tinh thần, tâm hồn và trí tuệ của vĩ lãnh tụ tài ba. Có rất nhiều tác phẩm của họa sĩ Trịnh Phòng thể hiện đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, tấm lòng của người họa sĩ với Bác kính yêu, chính vì vậy mà những bức vẽ của ông về Bác Hồ khá thành công, được công chúng đón nhận, là nguồn động viên lớn lao đối với sự nghiệp cầm cọ của mình. Có thể kể đến những tác phẩm về đề tài Hồ Chí Minh nổi tiếng như: Bác ra đi tìm đường cứu nước, Bác ở Đại hội Tua, Bác trở về Tổ quốc, Bác dịch sử Đảng bên suối Lê-nin...
Tranh của họa sĩ Trịnh Phòng hiện có mặt trong các bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và nhiều bộ sưu tập tư nhân khác. Ông nhận nhiều huy chương trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước cũng như đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. “Những tác phẩm đều được thể hiện không có tính khoa trương về bút pháp, hay tìm tòi những cái lạ mà chỉ tìm cái chân thật trong phương pháp biểu hiện về đối tượng miêu tả. Những tác phẩm của họa sĩ đem lại cho người thưởng thức cảm nhận được những gì họa sĩ muốn nói, đã có tác dụng tích cực góp phần vào cuộc kháng chiến thắng lợi” - Giáo sư, họa sĩ Trần Đình Thọ đã viết như vậy trong cuốn: Trịnh Phòng - tác phẩm và ký họa tuyển chọn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin năm 1997.
Đối với Cao Bằng - sự kiện Bác Hồ về nước mùa Xuân năm 1941 không chỉ là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một dấu mốc trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 28/1/1941 (mồng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ cùng một số đồng chí vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Đến cột mốc 108, Bác dừng lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá rồi đứng lặng hồi lâu hướng tầm mắt nhìn về phía dải đất Tổ quốc điệp trùng sau 30 năm xa cách. Mảnh đất Pác Bó, nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, quần chúng nhân dân đã được giác ngộ, trung thành với Ðảng, với cách mạng. Khi còn ở nước ngoài, tháng 10/1940, trước khi quyết định chọn địa điểm để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta…”. Từ đây, Người đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra quyết sách hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đáp ứng khát vọng của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng thế giới, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Tác phẩm “Bác Hồ về nước”, tranh sơn dầu của họa sĩ Trịnh Phòng vẽ năm 1969, khổ 90 x 1,34 đã tái hiện hình ảnh Bác từ nước ngoài sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước về tới biên giới nơi địa đầu Tổ quốc. Nơi Bác đặt chân đầu tiên trên mảnh đất Việt Nam là vị trí cột mốc biên giới 108 Việt Nam - Trung Quốc, thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng). Trong bức tranh có 6 nhân vật, theo tư liệu lịch sử, các nhân vật đó gồm các đồng chí: Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Thế An và Phạm Văn Lộc. Bác Hồ ở vị trí trung tâm, mặc bộ quần áo chàm, khăn mặt vắt trên vai, tay chống gậy.
Đặc biệt, về đề tài Bác Hồ với Pác Bó, họa sỹ Trịnh Phòng còn có bức họa nổi tiếng “Bác Hồ làm việc tại Pác Bó”, vẽ năm 1971 theo phong cách tả thực. Tổng thể bức tranh là gam màu xanh chàm, nhân vật chính và duy nhất là Bác trong sắc phục áo chàm đang chăm chú ngồi làm việc bên bàn đá, xung quanh là cây lá xa gần, phía xa là dòng suối trong xanh với những mỏm đá, khóm cây. Bức họa vô cùng thực tế với cuộc sống thường ngày lúc đấy của Bác ở Pác Bó: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sang/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Bức tranh “Bác Hồ làm việc tại Pác Bó” được bảo quản tại nhà riêng họa sĩ.
Từng nét vẽ và bố cục của mỗi bức tranh về Bác Hồ đều xuất phát từ tấm lòng, từ con tim của người họa sĩ. Bởi vậy, Phó Giáo sư, Phó Tiến sĩ, nguyên Chủ tịch Hội đồng phê bình mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng đã nhận định trong cuốn “Trịnh Phòng - tác phẩm và ký họa tuyển chọn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin năm 1997”: Trịnh Phòng mà mọi người biết đến, là người đôn hậu, bình dị, luôn cung cấp cho mọi người một vẻ đẹp hiền dịu, không chút khoa trương trong bút pháp, nhưng là sự chắt lọc, những giá trị thẩm mỹ thuần khiết của một hiện thực.
Đối với nhiều người dân Cao Bằng và các du khách khi đến với Cao Bằng, bức tranh “Bác Hồ về nước” và bức “Bác Hồ làm việc tại Pác Bó” vô cùng thân quen bởi nó được treo trang trọng tại một số điểm tham quan và Bảo tàng của tỉnh, tuy nhiên, bức vẽ được mô phỏng lại theo nguyên tác và có bức của họa sỹ khác. Chính vì vậy, mong muốn của nhiều người là được ngắm bức tranh chân thực nhất, bức tranh gốc của chính tác giả trên vùng đất lịch sử Cao Bằng. Anh Trịnh Quý Dương, con trai họa sỹ Trịnh Phòng cho biết: Cả một đời cầm cọ vẽ, bố anh luôn tâm huyết với những bức vẽ về Bác Hồ và ông cũng dành tình cảm đặc biệt cho Cao Bằng. Hiện nay, bức tranh gốc “Bác Hồ làm việc tại Pác Bó” luôn được gia đình anh giữ gìn trang trọng và bảo quản cẩn thận.
Tuổi đã cao, giờ người họa sĩ già đã tạm gác cọ với những bảng màu biến hóa cùng niềm đam mê vào một góc. Những tập tranh và các tác phẩm nổi tiếng của ông luôn được giữ gìn cẩn thận, đặc biệt với những bức vẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tác phẩm đặc sắc và để đời trong việc tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, về tình yêu quê hương đất nước đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đây là những giá trị văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc về quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng, là dấu tích lịch sử về kỷ niệm đẹp và vô cùng tôn kính của mỗi người dân đất Việt đối với Bác Hồ kính yêu.