Tuy nhiên, cả Đền và Chùa lại nằm trong Khu Di tích chùa Đà Quận do Ban Quản lý Quần thể Di tích lịch sử - văn hoá Đà Quận, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng trực tiếp quản lý, do vậy, việc đưa hai quả chuông trong một nhóm, để công nhận Bảo vật Quốc gia cũng có sự hợp lý về mặt quản lý. Vả lại, dường như hai quả chuông hiện nay không còn ở vị trí cũ, nó chỉ nằm gần đền và chùa Đà Quận mà thôi.
Cũng giống như nhiều quả chuông khác thời Mạc, hai quả chuông này không có gì đặc biệt về dáng hình, hoa văn trang trí. Thân của chúng được chia thành hai phần qua những đường viền nổi, tạo trên nó 8 ô rõ rệt. Các ô được phân cách bằng các nhóm đường viền dọc gồm 5 gờ nổi và đường gờ ngang là 3 gờ nổi. Điểm giao nhau của các đường viền là 6 núm chuông (trên 4 núm, dưới 2 núm). Đường kính núm chuông là 20cm. Phầm diềm xung quanh núm chuông được trang trí 12 cánh sen. Trong ô của chiếc chuông nhỏ khắc nhiều chữ Hán, ca ngợi cảnh đẹp của châu Thạnh Lâm, thắng tích chùa Viên Minh và việc trùng tu sang sửa lại ngôi chùa này. Chiếc chuông to không có minh văn. Sự đặc biệt của hai quả chuông trên đây chính là kích thước to lớn của nó so với phổ hệ chuông Việt Nam nói chung, đặc biệt là với chuông thời Lê Mạc nói riêng.
Minh văn trên quả chuông nhỏ có chữ mờ, chữ tỏ, nhưng về cơ bản, các nhà nghiên cứu đã đọc được và tạm dịch như sau “Văn khắc chùa Viên Minh. Lời tóm rằng: Trời mở Nam Việt, đất lập Cao Bằng. Ở giữa Bản Phủ, vững đất thành vua Thạch Châu kiên (cố?). Đà Quận đất thiêng. Non xanh nước biếc, sông Mãng
uốn quanh, cổ danh thắng tích. Chùa gọi Viên Minh. Chế đồng đục đá. Sống cùng trời trăng, chuông treo lầu gác. Chuông đặt trong sảnh. Gió thổi vang vang, tiếng ngọc rung rinh, chuông động vầng nguyệt. Mô động gió âm. Đền thần đối diện. Cung điện chênh vênh, giờ giấc sớm tối. Tiếng chuông u huyền, thế tình biến đổi, người vật nảy sinh. Nhân do (?) (?) ra sức sửa trị. Giúp thánh chúa Mạc, tôi hiền phù vận. Chuông chùa bia đá, trời phật lớn lao. Đón thờ dựng xây, giữ mãi hình Phật. Đúng hạn hoàn thành, hội chủ báo công, lòng thành trọn vẹn. Gần xa biết tiếng, Âm công rạng tỏ, Dương bảo vẻ vang!”
Có thể hiểu rằng, tác giả bài minh rất tự hào với mảnh đất Cao Bằng của nước Nam Việt. Nơi đây cảnh thú thanh lịch, có chùa Viên Minh, đền thần và cung điện lầu cao gác đẹp, có chuông chùa hàng ngày đánh lên vang động không trung. Tác giả cũng đề cao nhà Mạc, hội tụ được nhân tài. Điều đó cho thấy chuông chùa Đà Quận được đúc khi nhà Mạc đang chiếm giữ đất Cao Bằng và đóng đô tại đây. Hai quả chuông và đền chùa xây dựng ở đó chính là Quốc Miếu và Quốc tự nhà Mạc thời bấy giờ, theo đó chúng mới có kích thước to lớn với sự huy động vật lực và tài lực lớn đến như vậy cho việc đúc chuông và xây dựng đền - chùa.
Đọc minh văn trên chuông và qua nghệ thuật trang trí, ta cũng thấy đây là sản phẩm văn hoá triều Mạc. Tuy nhiên, đó là năm nào của triều Mạc, hãy xem Đại Nam nhất thống chí với những dòng ghi chép sau đây: “Chùa Viên Minh ở xã Xuân Lĩnh, huyện Thạch An, nay có một quả chuông khắc chữ, Kiến thống thập cửu niên Tân Hợi chú”. Và, chùa Đống Lâm ở xã Vu Thủy huyện Thạch Lâm, tương truyền cùng chùa Viên Minh, đều do Vua Mạc dựng.
Như vậy, có thể khẳng định được rằng, niên đại tuyệt đối của chuông chùa Viên Minh là năm thứ 19 đời Vua Kiến Thống (niên đại Triều Mạc ở Cao Bằng được tính từ 1593 khi Mạc Kính Cung lên làm Vua, lễ đăng quang tại thành Nà Lữ, đặt niên hiệu Càn (Kiền) Thống năm thứ nhất và Càn Thắng năm thứ 19 là 1611. Niên đại này phù hợp với nghệ thuật trang trí trên chuông và cũng phù hợp với bài minh văn mang tính quốc gia đại sự. Mặc dù là thế, hai quả chuông ở Đà Quận đã tiếp thụ tinh hoa của nghệ thuật đúc chuông từ Thời Trần mà ta thấy được trên chuông chùa Vân Bản, huyện Đồ Sơn, Hải Phòng, cũng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia mấy năm trước.
Trong cuộc tranh chấp quyền lực giữa tập đoàn Lê - Trịnh - Mạc vào thế kỷ 16, Vương triều Mạc từng tồn tại như một vương triều độc lập - chiếm giữ Thăng Long từ năm 1527 đến năm 1592 và đã có cống hiến cho sự phát triển của đất nước đáng được tôn vinh, ngợi ca và ghi nhận. Sau khi Lê - Trịnh thu hồi quyền bính, nhà Mạc đã phải lên Cao Bằng cố thủ. Năm 1592, Mạc Kính Cung lên Cao Bằng sau đó một năm xưng Vua, đặt Vương phủ ở Cao Bằng - Nà Lữ. Mạc Kính Cung đã chấn chỉnh kỷ cương mọi mặt, chăm lo thu phục lòng dân, mở Trường Quốc học ở Bản Thành, tổ chức khoa thi với 12 khoá thi, mà tiến sĩ nữ đầu tiên ở nước ta là bà Nguyễn Thị Duệ đỗ năm 1616 hẳn là một cách nhìn thấu đáo và tân tiến của triều đại này đối với nhân tài đất nước. Nhà Mạc đã giúp cho kinh tế Cao Bằng phát triển mọi mặt về nông nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông, thương mại. Về văn hoá, vừa bảo lưu văn hoá truyền thống của dân tộc ít người Cao Bằng, vừa bổ sung thêm nghệ thuật cung đình vốn của Thăng Long lên vùng đất Cao Bằng để làm cho nơi đây phát triển văn hoá nghệ thuật với sự giao thoa giữa bản địa và cung đình, tạo nên sự tưới mới của lễ hội, của Si Nàng hai và lượn Slương…
Liên tục gần một thế kỷ, trải qua 3 đời vua: Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1625 - 1638), Mạc Kính Vũ (1638 - 1677), Vương triều Mạc ở Cao Bằng là một vương triều hưng thịnh, đã tạo dựng được một trật tự kỉ cương, có sách lược đối nội, đối ngoại, mở mang dân trí, bách nghệ phát đạt. Triều đại này đã để lại trên vùng đất Cao Bằng nhiều dấu tích lịch sử - văn hoá, đang được nhân dân gìn giữ và phát huy. Chuông chùa Viên Minh và Đà Quận là hai trong số vô vàn di sản của nhà Mạc còn lại ở vùng đất biên viễn này, rất đáng được chiêm ngắm và thưởng ngoạn, nếu du khách lên Cao Bằng, nên ghé tới Di tích vì nó nằm ngay trong lòng thành phố Cao Bằng quyến rũ.
Tác giả bài viết: PV Tổng hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn