TUYÊN TRUYỀN VỀ HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ

Thứ năm - 05/05/2022 19:59

Từ ngày 01/4/2022 các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ tiến hành sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính.

hoa don dien tu

Để triển khai thực hiện chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, ngày 11/3/2022 UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành công văn số 549 về việc giao nhiệm vụ cho Cục Thuế và các đơn vị có liên quan; ngày 28/3/2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 402/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tỉnh Cao Bằng.
Để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về hoá đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh Cao Bằng phổ biến một số nội dung sau:
1. Hoá đơn điện tử mang lại các lợi ích cho Doanh nghiệp, cơ quan thuế và xã hội:
a. Đối với Doanh nghiệp:
- Giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, Công khai, minh bạch, tạo sự yên tâm cho người mua hàng. Đồng thời khắc phục rủi ro mất, cháy hỏng hoá đơn;
b. Đối với cơ quan Thuế:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về hoá đơn; giảm chi phí và thời gian đối chiếu; Ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận thuế.
c. Đối với xã hội
- Tăng kỷ cương pháp luật; Ngăn chặn tình trạng gian lận, sử dụng hoá đơn không hợp pháp;
- Bảo vệ môi trường; Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển thương mại điện tử.
2. Khái niệm về hoá đơn điện tử
Hoá đơn điện tử là hoá đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do người bán hàng, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
a) Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
b) Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
3. Điểm khác biệt của hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế:
- Hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế có độ chính xác và tính bảo mật cao.
- Giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và nhân lực.
- Giảm thủ tục hành chính.
- Không cần nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn. Tránh được việc nộp chậm, không nộp báo cáo dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Công khai, minh bạch; Tạo sự yên tâm cho người mua hàng.
4. Đối tượng áp dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
a. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
b. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh, phải nộp thuế trước khi cấp hoá đơn;
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh thì cơ quan thuế cấp hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh, phải nộp thuế trước khi cấp hoá đơn.
(Theo khoản 3, 4 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; khoản 2 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP; khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2021/TT-BTC).
5. Đối tượng áp dụng hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế
Doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp rủi ro về thuế cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
6. Hoá đơn điện tử có mã được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế
Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng hoá đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn điện tử không có mã.
7. Đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử: (được quy định chi tiết tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)
Bằng cách đăng ký thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế đăng ký thông tin sử dụng hoá đơn điện tử theo mẫu 01/DKTĐ-HĐĐT Phụ lục 1A ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và gửi đến cơ quan thuế (theo đường điện tử).
Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông báo điện tử theo mẫu số 01/TB-ĐKĐT (Phụ lục 1B Nghị định 123) về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử.
Trên tờ khai mẫu 01/DKTĐ-HĐĐT, doanh nghiệp, tổ chức tiến hành nhập thông tin, đánh dấu chọn hình thức hoá đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế, đánh dấu lựa chọn sử dụng sử dụng hoá đơn điện tử có mã phải trả tiền dịch vụ hoặc không phải trả tiền dịch vụ, lựa chọn phương thức chuyển dữ liệu hoá đơn, chọn loại hoá đơn sử dụng; điền danh sách chứng thư số, đăng ký uỷ nhiệm lập hoá đơn (nếu có); điền đầy đủ ngày, tháng, năm và ký tên người nộp thuế.
Đối tượng thuộc trường hợp được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh gửi đơn đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Mẫu số 06/ĐN-PSĐT Phụ lục IA kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đến cơ quan thuế và truy cập vào hệ thống lập hóa đơn điện tử của cơ quan thuế để lập hóa đơn điện tử.
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh được cơ quan thuế cấp mã.
8. Hướng dẫn lập hoá đơn điện tử.
a. Hướng dẫn lập hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
Bước 1: Truy cập cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử.
Bước 2: Lập hoá đơn; ký số trên hoá đơn đã lập; Gửi hoá đơn để cơ quan thuế cấp mã
Bước 3: Hệ thống cấp mã hoá đơn của Tổng cục Thuế tự động thực hiện cấp mã hoá đơn và gửi trả kết quả.
Bước 4: Gửi hoá đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế cho người nộp thuế.
(Doanh nghiệp, tổ chức có thể xem chi tiết tại Điều 17 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)
b. Hướng dẫn lập hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế
Bước 1: Truy cập phần mềm hoá đơn điện tử.
Bước 2: Lập hoá đơn; ký số trên hoá đơn đã lập.
Bước 3: Gửi hoá đơn điện tử cho người mua.
Bước 4: Gửi hoá đơn điện tử cho cơ quan thuế.
(Doanh nghiệp, tổ chức có thể xem Chi tiết tại Điều 18 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)
9. Tra cứu thông tin hoá đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hoá lưu thông trên thị trường
- Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về HĐĐT phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hoá đơn giấy. Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập tra cứu dữ liệu HĐĐT.
- Trường hợp bất khả kháng gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng Internet dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hoá đơn thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra, thực hiện tra cứu thông tin HĐĐT theo hình thức nhắn tin.
10. Huỷ các hoá đơn đã thông báo phát hành trước đây: (theo Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP).
Kể từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải ngừng sử dụng hoá đơn điện tử đã thông báo phát hành theo các quy định trước đây, tiêu huỷ hoá đơn giấy đã thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng (nếu có).
11. Tra cứu hoá đơn điện tử:
- Tra cứu hoá đơn điện tử bằng cách truy cập vào website https://www.hoadondientu.gdt.gov.vn; Chọn Menu: Tra cứu hóa đơn. Nhập giá trị tìm kiếm hợp lệ vào các ô Mã số thuế người bán, Loại hóa đơn, Ký hiệu hóa đơn (không nhập ký tự đầu tiên của hóa đơn), Số hóa đơn, Tổng tiền thuế, Tổng tiền thanh toán, nhập mã captcha, nhấn nút “Tìm kiếm”.
Xin trân trọng cảm ơn quý doanh nghiệp, tổ chức đã đồng hành cùng cơ quan thuế. Trong quá trình triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nếu có vướng mắc các tổ chức Doanh nghiệp, người nộp thuế liên hệ trực tiếp đến số điện thoại của đường dây nóng triển khai Hoá đơn điện tử hoặc Chi cục Thuế các huyện, thành phố và khu vực để được hỗ trợ.

Nguồn tin: Chi cục Thuế thành phố Cao Bằng:

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây