Cử tri là F0 thực hiện quyền bầu cử tại cơ sở điều trị, nếu là F1, F2 sẽ bỏ phiếu tại cơ sở cách ly hoặc thành viên tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ đến chỗ ở của cử tri.
Sáng 14/5, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, nói cơ quan chức năng đã chuẩn bị mọi điều kiện để ngày bầu cử toàn quốc tổ chức thành công.
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài các quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, ngay từ giai đoạn chuẩn bị, Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan đã lưu ý tình huống dịch bệnh có thể bùng phát.
Theo đó, trong tình huống trên, Ủy ban bầu cử địa phương sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo phương án tổ chức bầu cử phù hợp, với tinh thần địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất, có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cử tri để thực hiện việc bầu cử.
"Do tình hình dịch bệnh tại các địa phương diễn biến khác nhau và có sự thay đổi liên tục từng ngày, từng giờ. Vì vậy, trên cơ sở hướng dẫn chung về chủ trương, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để lên kịch bản cho ngày bầu cử tại từng khu vực bỏ phiếu, từng điểm bầu cử", bà Thanh nói.
Hội đồng bầu cử quốc gia đã yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trên địa bàn, lên phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác trong ngày bầu cử. Việc này cần đặc biệt chú ý khi các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề đã chuyển sang hình thức dạy trực tuyến, số lượng cử tri từ các trường đại học trở về địa phương nhiều.
Với cử tri là F0 đang điều trị; F1, F2... đang cách ly thì các tổ chức phụ trách bầu cử và Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi cách ly và nơi cử tri đăng ký bỏ phiếu cần có sự liên thông, phối hợp, xác định thời điểm hoàn thành cách ly với thời điểm bỏ phiếu để vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa bảo đảm quyền của cử tri.
Đến ngày 23/5, cử tri là F0 thực hiện quyền bầu cử tại cơ sở điều trị, nếu là F1, F2 sẽ thực hiện quyền bầu cử tại cơ sở cách ly (trong trường hợp cách ly tập trung) hoặc thành viên tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ đến chỗ ở của cử tri (trong trường hợp tự cách ly).
Các cử tri không có lịch sử dịch tễ liên quan đến Covid-19 thực hiện quyền bỏ phiếu như trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, để tránh tập trung đông người trong cùng một thời điểm, các địa phương được yêu cầu lưu ý đến các biện pháp đảm bảo an toàn như đo thân nhiệt, phân luồng lối đi, thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang; có thể bổ sung địa điểm bỏ phiếu, hòm phiếu phụ và phân công thành viên tổ bầu cử để cử tri tiến hành bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu đó.
Bà Thanh nhấn mạnh, trong lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca lây nhiễm cộng đồng, ngoài việc thực hiện đúng, đủ các quy định pháp luật về bầu cử, trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử, thành viên của Tổ bầu cử là thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho cử tri trong ngày bầu cử; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác thông tin để nhân dân yên tâm tham gia bỏ phiếu.
Ngoài ra, bà Thanh đề cập đến các nội dung cần lưu ý là kiểm soát tình hình dịch tễ của thành viên Ban chỉ đạo, các tổ chức bầu cử từ cấp tỉnh đến cơ sở và cử tri, chủ động bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị tại điểm bỏ phiếu; phân chia thời gian bỏ phiếu theo khu dân cư; bổ sung điểm bỏ phiếu hoặc sử dụng hòm phiếu phụ, huy động thêm nhân sự hỗ trợ tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ cho ngày bầu cử....
"Cơ quan chức năng cũng bổ sung các con dấu "Đã bỏ phiếu" kèm theo hòm phiếu phụ, bảo đảm thuận tiện cho công tác bầu cử, sao cho các cử tri không thể đến được phòng bỏ phiếu vẫn thực hiện được quyền bầu cử của mình", bà Thanh nói và bày tỏ tin tưởng ngày bầu cử sẽ được tiến hành đúng tiến độ.
Ngày 23/5, công dân từ 18 tuổi trên cả nước sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026.