Độc đáo các loại hình văn nghệ dân gian trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Thứ năm - 10/08/2023 16:29
Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng không chỉ quyến rũ bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà còn hấp dẫn bởi bề dày văn hóa bản địa độc đáo. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những loại hình văn nghệ dân gian luôn được đồng bào các dân tộc gìn giữ, bảo tồn. 
Là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, Cao Bằng sở hữu kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc và được lưu giữ nguyên vẹn tại nhiều địa phương. Giá trị di sản văn hóa bản địa của cộng đồng người Tày, Nùng, Dao, Mông, Lô Lô… trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm. Trong đó, những loại hình dân ca, dân vũ mang đặc trưng riêng biệt, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc vùng cao. 
107901 dong bao dan toc tay giu gin dieu then dan tinh 16230809
Đồng bào dân tộc Tày giữ gìn điệu Then, đàn tính
Về dân ca, người Tày có Lượn slương, Lượn cọi, Lượn ngạn, hát Then - đàn tính; người Nùng có Lượn phủ, Lượn tại, Lượn Hèo phươn Nùng An, Sli giang, Nàng ới; người Dao có Páo dung... Về sân khấu, người Tày có Phướng lỵ, người Nùng có xướng Dá Hai. Về dân vũ, người Tày có múa Sluông chầu; người Nùng có múa quạt, múa khăn; người Dao có múa chuông, múa trống; người Mông múa ô, múa khèn… Nhạc cụ truyền thống, người Tày có cây đàn tính; người Nùng có cây nhị và bộ xóc đồng lục lạc; người Mông có khèn ống trúc bè ngang, khèn lá, khèn môi...

Hát Then - đàn tính, hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày. Theo quan niệm xưa, Then là cầu nối tâm linh mang lời thỉnh cầu, mong ước của con người tới mường trời và các vị thần. Nội dung các khúc hát đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý, ca ngợi làng bản, quê hương... Giai điệu Then sâu lắng, truyền cảm, lay động lòng người; âm thanh đàn Tính - nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then mượt mà, rạo rực, có sức hấp dẫn diệu kỳ. Những câu chuyện trong nghi lễ Then phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của đồng bào Tày. 

Dá Hai, loại hình nghệ thuật diễn xướng tuồng trên sân khấu của người Nùng ở các huyện miền Đông của tỉnh. Dá Hai là loại ca kịch mang tính tổng hợp, có sự hòa trộn giữa lời ca, tiếng nhạc, điệu múa đặc sắc. Tuồng Dá Hai của người Nùng bắt nguồn từ trò múa rối “Mộc thầu hý” (múa rối que) do các nghệ nhân dân gian diễn mua vui tại hội làng, phố chợ. Sau đó, nghệ thuật diễn trò múa rối này phát triển lên thành các vở diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần và trở thành tuồng Dá Hai. Tuồng Dá Hai có nội dung rất phong phú, đa dạng, thể hiện sinh động mọi khía cạnh cảm xúc, tâm trạng gồm: vui vẻ, phấn khởi, đau thương, buồn bực, hùng hồn, khí thế… 
107902 nghe thuat mua khen cua nguoi mong 16233809
Nghệ thuật múa khèn của người Mông.
Với người Mông, cây khèn giống như bảo vật kết nối trần gian và thế giới tâm linh, đồng thời cũng là biểu tượng, linh hồn văn hóa dân tộc. Khèn Mông thân quen tựa thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra. Trong những buổi chợ phiên, vui xuân trẩy hội, tiếng khèn cất lên rộn rã, vui tươi, tha thiết gọi tình yêu. Chàng trai Mông múa khèn nhịp nhàng, uyển chuyển với từng bước nhún, bước đảo, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, nhảy đưa chân… tạo nên vũ điệu lôi cuốn, đẹp mắt. Khi có đám tang, tiếng khèn trầm buồn, da diết để dẫn đường, chỉ lối và tiễn biệt người mất sang thế giới bên kia. 

Làn điệu Páo dung được coi là phương tiện truyền tải những tâm tư, tình cảm, ước muốn và khát vọng của người Dao. Hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng là các làn điệu cổ, gồm những bài hát được sử dụng trong lễ cấp sắc, lễ cưới, cúng đầy tháng, cúng lên nương, cúng tra hạt… Hình thức hát này mang tính nguyên tắc với những bài hát có sẵn và thường có thêm trống, chiêng, thanh la phụ họa; nội dung cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hát Páo dung sinh hoạt gồm: hát ru, hát giao duyên, đối đáp nam nữ, hát than, hát đồng dao… Lối hát dựa vào ứng biến linh hoạt của người hát, tùy theo hoàn cảnh mà mỗi chủ đề lại có những lời hát khác nhau, do đó ca từ thường giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Hát Páo dung trong lao động gồm những bài hát ca ngợi tinh thần lao động sản xuất, cảnh đẹp thiên nhiên hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ. 

Trên hành trình khám phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, du khách được đắm chìm trong những làn điệu dân ca mộc mạc, ngọt ngào, thấm đượm tình người vùng cao. Mỗi khúc hát, điệu múa đều mang dấu ấn của một vùng đất tươi đẹp, mến khách và giàu bản sắc văn hóa.       

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây