Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, thành phố Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang và sạch đẹp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Người dân vui mừng, phấn khởi trước những đổi thay và đều có những kỳ vọng về một thành phố trẻ Cao Bằng năng động và phát triển.
Buổi chiều mùa thu, đang ngồi trên tầng hai ngồi nhà ông bạn nằm bên khúc cua Vực Sổ, dưới chân pháo đài nhìn ra dòng sông Bằng lấp lánh ánh hoàng hôn. Chúng tôi vội đứng dậy cùng nhau đi ra phố, hòa với dòng người đang đi bộ thong dong trên con đường kè bờ sông, nơi hàng liễu xanh êm đềm rủ bóng, đón làn gió nhẹ từ phía bờ nam bên Nà Cạn thổi sang. Một cảm giác yên bình khoan khoái dễ chịu. Mới năm nào thôi con đường này là nơi tập kết xe ngựa, chạy dọc đến chợ Xanh tràn ngập rác rưởi, bây giờ đã trở thành một tuyến phố phong quang sạch đẹp. Con đường kè bờ sông đã tạo ra diện mạo mới cho cả dãy Phố Thầu, giải tỏa cho tuyến phố đi bộ Kim Đồng thêm phần thông thoáng.
Thực ra vấn đề cải tạo khai thác dòng sông đã từng đặt ra cách đây 20 năm, với ý tuỏng sẽ khai thông luồng lạch, xây dựng các âu thuyền cho thuyền bè lên xuống vận chuyển hàng hóa, kết hợp với phát triển du lịch. Nhưng phải đến hôm nay, sau 10 năm thị xã lên thành phố mới bắt đầu thực hiện được. Tác dụng và hiệu quả của nó đã hiện diện hàng ngày, giúp cho thành phố chống xói mòn, bảo vệ an lành cuộc sống dân sinh, vừa góp phần tôn tạo cảnh quan môi trường đô thị và có thêm những tuyến đường đi bộ, đi xe đạp dọc bờ sông vi vu hóng mát. Tôi tin tưởng và kỳ vọng nó sẽ không dừng lại, mà còn tiếp tục phát triển vươn xa với những ý tưởng và mục đích cao cả hơn; có thể coi đây là công trình mang dấu ấn thế kỷ, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đối với du lịch. Cũng có thể hôm nay chưa thể làm được hết, thì thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp tục hoàn thiện nâng cao.
Mấy ông bạn về hưu đạp xe đi theo đường kè bờ sông Bằng vòng quanh Phố Cũ, Nước Giáp, Vườn Cam, đi xuống tận dưới cầu Hoằng Ngà, lại ngược lên sang Gia Cung, Ngọc Xuân. Nhiều đoạn hãy còn ngắt quãng, nhưng hướng đi đã rõ ràng cho một cuộc hành trình đầy cảm xúc. Nghỉ chân bên quán Ngã ba sông chúng tôi sôi nổi bàn tán: Hãy thử hình dung, mai đây đường kè bờ sông nối liền ba trung tâm thành phố thì sẽ thú vị đến nhường nào. Một anh nói vẻ dứt khoát: Tôi tin đó sẽ là con đường đẹp nhất, để phát triển nhà hàng dịch vụ, đem lại việc làm và thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình sống bên dòng sông. Một ông lại nói tôi lại mong nó là con đường văn hóa, dành cho đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục dưỡng sinh, thể thao giải trí, ngâm thơ đọc sách.
Câu chuyện của mọi người làm tôi nhớ lại cách đây 20 năm, tôi được đi ngược sông Ly Giang, trên những con thuyền mang hình con Rồng, con Phượng, con Hạc chạm trổ cầu kỳ bắt mắt. Cô hướng dẫn viên tên là A Phương thành thạo ba thứ tiếng Việt - Trung - Anh rất thân thiện và chuyên nghiệp, thỉnh thoảng lại cho thuyền cập bến, ghé thăm những làng mạc bên bờ và giới thiệu cho du khách về lịch sử hình thành, bản sắc văn hóa dân tộc, những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn làm cho ai cũng muốn nếm thử một vài món ăn, hay mua mấy thứ vật dụng để làm quà kỷ niệm. Triết lý du lịch của họ là: Cái gì thiên hạ không có thì mình phải làm cho nó có. Cái gì hôm nay chưa thành huyền thoại (hay cổ vật), thì nói mãi rồi vài chục năm sau sẽ thành huyền thoại gắn liền với núi sông…
Thành phố Cao Bằng là nơi hội tụ của ba dòng sông. Người xưa đã sớm nhìn ra vị thế sơn thủy hữu tình, cảnh sắc sinh sôi, vượng khí.
"Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn
Bốn bề tứ trụ đứng chon von"
Bây giờ thành phố đang kè bờ Sông Bằng, Sông Hiến, mai sau sẽ kè thêm cho Suối Gủn róc rách nên thơ, mà nghe đâu đã có một nhà đầu tư đang gom đất, định xây dựng thành khu du lịch sinh thái. Các cụ kể rằng Phố Thầu thời xưa trên bến dưới thuyền, thuyền bè lên đến Cao Bình, Nước Hai xuống đến tận cửa khẩu Tà Lùng. Những năm chưa có xe máy như bây giờ, người dân ở Bình Long, Hồng Việt, Hưng Đạo vẫn dùng bè mảng chở rau xanh cung cấp cho Thị xã. Tôi lại mơ đến chuyện ngồi trên thuyền rồng thong thả ngược dòng lên thăm chùa Kỳ Sầm, chùa Đà Quận, Làng Đền, Lam Sơn, Phya Tém… Những di tích lịch sử văn hóa gắn liền với cuộc sống dân cư nơi vùng quê yên tĩnh, trầm mình tắm nuớc suối, hít thở không khí trong lành, tự mình nấu món ăn Homestay dân dã, nghe đàn tính hát then bên bếp lửa nhà sàn, thì quả là thi vị độc đáo với một tua du lịch nhẹ nhàng dạo quanh thành phố. Hay ngược dòng sông Hiến đến Nà Đin, Nà Tẩu cũng đã thấy vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng … hoăc men theo Suối Gủn xinh đẹp huyền bí, thả thuyền trôi xuôi, gieo cảm giác mạnh qua những bậc thang thác nước len lỏi dưới tán cây xanh.
Nơi ngọn nguồn dòng sông bao giờ cũng đầy ắp những câu chuyện của thời khai sơn lập địa, lãng mạn trữ tình mà thấm đẫm mồ hôi nước mắt, từ bao đời nay luôn là niềm cảm hứng vô tận của giới văn nghệ sỹ, đã có những áng thơ ca, nhạc họa văn chương bất hủ đọng lại trong trái tim bao nguời: Sông Đông êm đềm, ký sự Sông Đà, ký sự Mê Công, Nhớ con sông quê hương. Nghiệm lại đến bất cứ nơi nào, tôi cũng thường được bạn bè rủđi ngắm cảnh sông nước, du thuyền trên Sông Huơng của Huế, Chèo đò sông Sêrêpôk Tây Nguyên, đi ghe máy trên sông Hậu Giang (Cần Thơ), mạo hiểm với xuồng ba lá trên sông nưóc miệt vườn Cà Mau; sang Lào lại được chủ nhà dẫn đi thuyền bơi chải dọc sông Mê Công nhìn sang bên kia Thái Lan… Tôi cũng đã đi nhiều đọan dọc theo sông Bằng Giang, sông Quây Sơn, Bắc Vọng, Sông Neo, Sông Gâm, Sông Rẻ Rào... .Mỗi dòng sông đều có vẻ đẹp tiềm ẩn kỳ bí mà thân quen, làm cho tôi mê mải khám phá đến lạ lùng. Các nhà khoa học đã đúc kết, lưu vực của những dòng sông là nơi phát tích của những nền văn minh, nên không phải riêng tôi mà rất nhiều, rất nhiều người muốn hành trình theo những dòng sông. Dòng sông luôn đem lại sức sống dồi dào cho những vùng đất và con nguời biết trân trọng giữ gìn nó. Dòng sông quê huơng, Dòng sông khát vọng, Dòng sông phẳng lặng, Dòng sông âm vang.. tràn trề biết bao cung bậc cảm xúc. Thành phố đã lên đèn, nhịp cầu Sông Hiến tỏa ánh sáng lung linh mặt nuớc, cuộc vui nào cũng đến lúc chia tay. Trở về với thực tại tôi thong thả đạp xe và suy nghĩ miên man về chiến lược phát triển Kinh tế xã hội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050, nâng cấp thành phố Cao Bằng lên đô thị loại 2, xây dựng thành phố du lịch, văn minh và hiện đại, mỗi năm đón khoảng 2,5 triệu lượt khách. Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Thì mũi nhọn của thành phố ngã ba sông, có lẽ đang tiềm ẩn ở cả ba dòng sông bao đời tải nặng phù sa và sức sống cho thành phố xanh tươi. Những dòng sông mãi mãi không bao giờ phụ lòng người biết trân trọng bồi đắp, giữ gìn và khai thác nó. Chảy đi sông ơi và hãy nuôi dưõng để thúc đẩy ước vọng Tam Giang trở thành hiện thực.
Mời quý vị và các bạn nghe bài viết "Ước vọng tam giang" của Nhà báo Lã Vinh, Giọng đọc: Việt Sơn, tại đây:
Tác giả bài viết: Lã Vinh (Ảnh Việt Sơn, Đình Trung)