UBND Thành phố: Tập huấn văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Thứ sáu - 14/05/2021 15:08
Chiều 13/5, UBND thành phố Cao Bằng đã tổ chức hội nghị tập huấn một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cho lãnh đạo các phòng, ban, đươn vị trực thuộc UBND thành phố; Các tổ chức chính trị xã hội của thành phố; Ban chỉ huy quân sự thành phố; Tổ công tác PCCC và CNCH, Công an thành phố; Lãnhd đạo UBND , trưởng công an 11 phường, xã trên địa bàn. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh. Đ/c Nguyễn Thị Huệ Chi, UVBTV Thành ủy, PCT UBND thành phố dự và chủ trì hội nghị. Hội nghị được thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Huệ Chi nhấn mạnh: Công tác PCCC và CHCN là một nhiệm vụ quan trọng, là một bộ phận của công tác an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, công tác PCCC được xã hội hoá thì càng có nhiều ý nghĩa thiết thực. Tại Điều 4 Luật PCCC quy định về nguyên tắc PCCC "Trong hoạt động PCCC phải lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra", để đạt được mục tiêu của nguyên tắc này thì chúng ta phải tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, trong đó công tác phổ biến, tuyên truyền để mọi người dân ở khu dân cư hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về PCCC là điều kiện tiên quyết đến chất lượng của công tác PCCC trên địa bàn. Vì vậy, Đ/c Phó CT UBND thành phố đề nghị: Đối với lực lượng Công an, tiếp tục tham mưu cho UBND cùng cấp, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn. Trước mắt thành lập đoàn kiểm tra thực hiện kế hoạch đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh. Đối với UBND cấp xã tiếp tục nghiên cứu triển khai có hiệu quả công tác quản lý cơ sở, địa bàn thuộc danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý được quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ . Khi tiếp nhận thông tin có cháy, nổ xảy ra trên địa bàn quản lý các lực lượng cần khẩn trương tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy theo nguyên tắc "Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ", ngay từ khi đám cháy mới phát sinh, phát huy phương châm 4 tại chỗ. Trường hợp nhận định tình hình cháy vượt quá khả năng, kịp thời báo cáo lực lượng chức năng, huy động tổ chức chữa cháy theo quy định. Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tải sản do cháy gây ra, góp phần giữ gìn An ninh chính trị và Trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nhất là trong thời gian bầu cử sắp tới.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Phòng PC07, Công an tỉnh Cao Bằng quán triệt Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các thông tư của Bộ Công an về công tác PCCC. Các chuyên đề về một số nội dung liên quan đến công tác phòng cháy theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an; Một số nội dung liên quan đến công tác chữa cháy và CNCH theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an. Theo đó, Nghị định 136/2020/NĐ-CP gồm 9 chương 54 điều. Nghị định quy định về hoạt động PCCC, tổ chức lực lượng, phương tiện PCCC, kinh doanh dịch vụ PCCC, kinh phí bảo đảm cho hoạt động PCCC, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong hoạt động PCCC áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định quy định rõ các điều kiện an toàn về PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới, khu dân cư....; Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như: Có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an. Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh... Khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như: Có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ...
Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe đại diện lãnh đạo Công an thành phố triển khai kế hoạch tổ chức đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và tổ chức bàn giao cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thuộc cấp xã quản lý, mà trước đây do Phòng PC07 Công an tỉnh quản lý theo đúng quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.