Lịch sử hình thành và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và Liên minh HTX Việt Nam

Thứ hai - 10/04/2023 10:04
(Tài liệu tuyên truyền nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia tham gia Hợp tác xã nông nghiệp và 12 năm ngày Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 11/4 là Ngày Hợp tác xã Việt Nam)
Slide1

   I. Lịch sử hình thành và phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam
1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1955: Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí minh, hợp tác xã được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do và căn cứ địa cách mạng với các hình thức hợp tác giản đơn như tổ vần công, tổ đổi công. Ngày 08 tháng 3 năm 1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Hợp tác xã thuỷ tinh Dân Chủ được thành lập, mở đầu cho sự ra đời và phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam. Sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã cùng với kết quả của cải cách ruộng đất đã góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi sự ràng buộc của phương thức sản xuất phong kiến, đưa nông dân lên vị trí người làm chủ, có những đóng góp tích cực trong việc đảm bảo hậu cần cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến.
2. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1961: Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, phát triển hợp tác xã trong các ngành kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau giai đoạn thí điểm, đến năm 1960 cả nước đã có hơn 50.000 hợp tác xã được thành lập trong các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, ngư nghiệp, tín dụng, ... thu hút đại bộ phận hộ nông dân, hộ kinh tế cá thể và người lao động tham gia. Các hợp tác xã góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ cao, hình thành quan hệ sản xuất mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn tư liệu sản xuất, đất đai và sức lao động; đưa những hộ nông dân, những người sản xuất nhỏ, thợ thủ công, tiểu thương vào làm ăn hợp tác trong các hợp tác xã theo đường lối của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
3. Giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1965: Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các hợp tác xã bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng ngàn hợp tác xã trong các lĩnh vực phi nông nghiệp được thành lập, thu hút hàng triệu quần chúng nhân dân tham gia. Hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực ngoài những đóng góp đáng kể về kinh tế, còn có vai trò quan trọng về mặt xã hội, như giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, hỗ trợ các hộ xã viên phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống. Các hợp tác xã còn chú trọng giáo dục tinh thần yêu Nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, nâng cao giác ngộ chính trị cho đông đảo quần chúng lao động; đồng thời là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung cán bộ cho địa phương.
4. Giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1975: Khi Đế quốc Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc, quy mô chiến tranh mở rộng. Với khẩu hiệu “tất cả để chiến thắng”, “tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, “vì miền Nam ruột thịt”, ... khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc. Đến cuối năm 1974, toàn miền Bắc có hơn 46.000 hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực. Các hợp tác xã đã động viên được sự lao động quên mình của các xã viên hợp tác xã, vừa sản xuất vừa chiến đấu, với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tay cày tay súng”, vừa sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng chi viện cho miền Nam, vừa tổ chức các đơn vị tự vệ, tham gia chiến đấu, đánh trả máy bay địch, bảo vệ quê hương. Nhờ có hợp tác xã, chúng ta đã huy động cao độ được sức người, sức của cho tiền tuyến, hàng triệu thanh niên trai tráng nông thôn ra mặt trận, đánh giặc cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Các hợp tác xã còn làm nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân thực hiện công tác hậu phương quân đội, trực tiếp chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ; tiếp nhận các chiến sĩ, thương bệnh binh từ mặt trận về tham gia sản xuất. Các hợp tác xã còn là nơi giáo dục, nâng cao ý thức chính trị cho quần chúng nhân dân, xây dựng nếp sống văn hoá, đề cao tình làng nghĩa xóm, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp tích cực vào những thành tựu của cuộc cách mạng tư tưởng văn hoá ở nông thôn.
5. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1997: Sau chiến thắng lịch sử Mùa Xuân năm 1975, kinh tế tập thể, hợp tác xã được phát triển và lan rộng tới các tỉnh, thành phố phía Nam. Đến năm 1986, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển cao nhất so với trước đây , cả nước có 76.000 hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, thu hút hơn 20 triệu xã viên tham gia và có những đóng góp to lớn như: Các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất hơn 80% sản lượng lương thực, thực phẩm của cả nước; Các hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất ra một khối lượng hàng hoá chiếm 30% giá trị sản lượng công nghiệp toàn quốc và gần 50% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương; Các hợp tác xã mua bán đã chiếm gần 20% tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ của thị trường xã hội và đại lý thu mua uỷ thác hơn 60% sản lượng hàng hoá nông sản, thực phẩm cho cả nước; Các hợp tác xã vận tải vận chuyển hơn 45% khối lượng hàng hoá và 50% khối lượng hành khách vận chuyển của các địa phương, ...
Tuy nhiên, khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp được xoá bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước từng bước được hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế; phần lớn các hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế không kịp thích ứng, rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng, nhiều hợp tác xã sản xuất kinh doanh thua lỗ bị tan rã, giải thể, số lượng hợp tác xã giảm mạnh.
6. Giai đoạn từ năm 1997 trở lại đây: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có những chuyển biến quan trọng. Đặc biệt, kể từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên ra đời (tháng 3/1996) và chính thức có hiệu lực từ 01/01/1997 và tiếp đó là Luật Hợp tác xã 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực hợp tác xã phát triển. Đảng có Nghị quyết chuyên đề về kinh tế tập thể, hợp tác xã (Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”), nhiều kết luận, chỉ thị về kinh tế tập thể, hợp tác xã,... Các hợp tác xã từng bước chuyển đổi và đăng ký lại cho phù hợp và thích ứng ngày càng tốt hơn với sự biến động của cơ chế thị trường; quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong các hợp tác xã được tăng cường; vai trò tự chủ của hợp tác xã được đề cao, thành viên tham gia hợp tác xã một cách tự nguyện, nhiều hợp tác xã đã xây dựng được phương án hoạt động phù hợp, huy động được sự tham gia đóng góp của thành viên; mô hình hợp tác xã mới, mô hình hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều hợp tác xã mới được thành lập trong các ngành, lĩnh vực kinh tế với các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động đa dạng. Nhiều hợp tác xã, thành viên tham gia không chỉ bao gồm cá nhân mà còn gồm các chủ trang trại, hộ tiểu chủ, nhà khoa học, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa, một số hợp tác xã có cả thành viên là doanh nghiệp Nhà nước tham gia. Trong các hợp tác xã mới thành lập có nhiều mô hình hợp tác xã mới như hợp tác xã y tế, hợp tác xã vệ sinh môi trường, hợp tác xã nước sạch, hợp tác xã dịch vụ tang lễ, hợp tác xã công nghệ thông tin...
Đặc biệt, năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phục hồi và phát triển, đạt mục tiêu đề ra, số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới tăng, vượt chỉ tiêu đề ra, cụ thể: Thành lập mới 2.187 hợp tác xã (trong đó: hợp tác xã nông nghiệp là 1.723, chiếm 78,8%, hợp tác xã phi nông nghiệp là 464 chiếm 21,2%); tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã, tổng giá trị tài sản đạt 187,25 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/hợp tác xã, tăng 6,2% so với năm 2021; thành lập mới 17 liên hiệp hợp tác xã (tăng 6 liên hiệp hợp tác xã (6%) so với năm 2021); thu hút 750 thành viên (bình quân 6 hợp tác xã/Liên hiệp hợp tác xã), tạo việc làm cho 39.750 lao động (bình quân 318 lao động/liên hiệp hợp tác xã); doanh thu bình quân của 01 liên hiệp hợp tác xã là 258 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 8,9 tỷ đồng/năm; thành lập mới 3.531 tổ hợp tác; thu hút 1,8 triệu thành viên là hộ gia đình (bình quân 15 thành viên/tổ hợp tác); doanh thu bình quân 294,8 triệu đồng/năm/hợp tác xã.
Tính đến 31/12/2022, cả nước có 29.021 hợp tác xã, 125 liên hiệp hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác; các hợp tác xã thu hút 6,93 triệu thành viên, chủ yếu là hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và 2,58 triệu lao động. Nhiều mô hình hợp tác xã phục hồi nhờ mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất; nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát triển mở rộng gắn với quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ thành viên; đẩy mạnh liên kết phát triển mạnh trong cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; liên kết giữa các thành viên và các hợp tác xã, doanh nghiệp, tập đoàn kinnh tế.
Hiện cả nước có 11.423 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (chiếm 56,2%); gần 3.000 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị như lúa gạo, rau quả, da giày, mây tre đan.... ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghệ sản xuất sạch. Hơn 60% tổng số hợp tác xã nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sản lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, sàn giao dịch điện tử; 1.145 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, trong đó có 867 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 4,9% tổng số hợp tác xã nông nghiệp) với 1.248 sản phẩm.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phi nông nghiệp thu hút số lượng khá lớn hộ cá thể tham gia thành viên; phần lớn các hợp tác xã thành lập theo luật hợp tác xã năm 2012. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy mô vừa và lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP, tham gia xuất khẩu hàng hoá ngày càng tăng. Phần lớn hợp tác xã hoạt động kinh doanh hiệu quả, đạt tỷ lệ 55-80%, cao hơn hợp tác xã nông nghiệp, doanh thu và lãi bình quân của 01 hợp tác xã bình quân 08 tỷ đồng/ hợp tác xã và lợi nhuận bình quân 411,7 triệu đồng/hợp tác xã.
II. Lịch sự hình thành và phát triển của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
Cùng với quá trình hình thành và phát triển phong trào hợp tác xã ở Việt Nam, các tổ chức đại diện và hỗ trợ cho khu vực hợp tác xã lần lượt được thành lập, đáp ứng yêu cầu tư vấn, hỗ trợ cho các hợp tác xã phát triển theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Năm 1955, Ban quản lý hợp tác xã mua bán Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ đại diện và hỗ trợ cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua bán trong phạm vi toàn quốc. Năm 1978, Liên hiệp hợp tác xã tiểu - thủ công nghiệp Trung ương (gọi tắt là Liên hiệp xã Trung ương) được thành lập với nhiệm vụ đại diện và hỗ trợ cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiểu - thủ công nghiệp cả nước.
Năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 81-CT giải thể Liên hiệp xã Trung ương và Quyết định số 82-CT thành lập Ban trù bị Đại hội thành lập Hội đồng Trung ương các Hợp tác xã và các đơn vị sản xuất ngoài quốc doanh. Năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định số 409-CT thành lập Hội đồng Trung ương lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thành viên bao gồm tất cả các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh đang hoạt động trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Năm 1993, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, trong 02 ngày, 29 và 30 tháng 10 năm 1993, Đại hội đại biểu toàn quốc các Hợp tác xã Việt Nam lần thứ nhất thành lập Hội đồng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ đại diện và hỗ trợ cho tất cả các hợp tác xã hoạt động ở các ngành, lĩnh vực của nền  kinh tế quốc dân.
Kể từ Đại hội lần thứ nhất đến nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã trải qua 30 năm với 06 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển về tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam gắn với quá trình củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tổ chức của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được kiện toàn từ Trung ương đến tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 là dấu mốc lịch sử trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Sau 27 năm thành lập và phát triển, lần đầu tiên hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thống nhất nhiệm kỳ Đại hội và thống nhất Điều lệ về nội dung, hình thức và hiệu lực.
Có thể khẳng định, những năm qua, hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có những chuyển biến tích cực, bám sát chức năng, nhiệm vụ đê tổ chức các hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu của các hợp tác xã và thành viên; vị thế, uy tín của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ở trong nước và các tổ chức quốc tế nâng thêm một tầm cao mới. Đặc biệt năm 2022, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nổi bật là phối hợp tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và trực tiếp nghiên cứu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết 20, các Nghị quyết, chỉ thị của 63 tỉnh uỷ, thành uỷ triển khai thực hiện Nghị quyết 20; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012; triển khai thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ/CP ngày 31/3/2021 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã hợp tác xã;.... Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên, làm cầu nối cho Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, trong đó cả hệ thống đã chủ động khảo sát, nắm bắt thực tế hoạt động của hợp tác xã báo cáo các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình, nhất là các chính sách hỗ trợ hợp tác xã do ảnh hưởng dịch Covid-19; khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của hợp tác xã đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương; tư vấn pháp lý cho 3.146 hợp tác xã, giải quyết khiếu nại 41 vụ việc...; huy động các nguồn lực để nang cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã, chỉ riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức thành công 5 hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại kết nối cung cầu cho các hợp tác xã trên cả nước, ký kết 140 hợp đồng, biên bản ghi nhớ, thực hiện 308 kết nối tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm cho các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho 4.381 học viên là cán bộ quản lý hợp tác xã, cán bộ quản lý nhà nước, thành viên hợp tác xã; Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương ký hợp đồng cho vay 75 dự án tại 31 tỉnh, thành phố với tổng số tiền 210 tỷ đồng, đã giải ngân cho 67 dự án với số tiền 150 tỷ đồng, xem xét cơ cấu lại nộ cho 20 hợp tác xã bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với số tiền 15 tỷ đồng; hỗ trợ khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, triển khai Đề án hiện đại công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong khu vực hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025. Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố giữ vai trò nòng cốt trong vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã ở các địa phương, tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tổ chức 329 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 15.636 lược học viên là cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã; Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương cho vay đạt 2.358 tỷ đồng với 1.038 lượt hợp tác xã, 51.141 lượt tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã...; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hệ thống chính trị về kinh tế tập thể, hợp tác xã; mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, tập đoàn tài chính để huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển hợp tác xã...
Với những thành tích đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và các thành viên đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2005, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2007, Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2007, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2010, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2018, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2020; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2021; nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”; nhiều Liên minh HTX tỉnh, thành phố, thành viên, tập thể và cá nhân được tặng Huân chương các hạng, cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các ban, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và danh hiệu thi đua khác... Riêng năm 2022, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đón nhận Huân chương lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
III. Ý nghĩa ngày Hợp tác xã Việt Nam -11/4
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa tư tưởng Hợp tác xã vào Việt Nam. Ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong cuốn “Đường cách mệnh” viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của hợp tác xã, Người đã nhấn mạnh: Tục ngữ Việt Nam có câu “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, lý luận hợp tác xã đều nằm trong điều ấy. Người còn nói về tính chất hợp tác xã là tổ chức kinh tế  - xã hội; cách tổ chức hợp tác xã phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và đi từ thấp đến cao.
Ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công năm 1945, ngày 11 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia Hợp tác xã nông nghiệp. Trong thư Bác Hồ đã viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc... nông dân giàu tì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”; “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có Hợp tác xã”; “... Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Trong thư Người còn viết: “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà. Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”. Người tha thiết kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên Hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có Hợp tác xã”.
Sau 19 năm, cũng vào ngày (11 tháng 4 năm 1964),  Bác Hồ gửi thư­ cho Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những Hợp tác xã điển hình tiên tiến, và yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các Hợp tác xã nông nghiệp phát triển.
Với ý nghĩa của ngày 11 tháng 4, ngày đánh dấu 02 sự kiện quan trọng đối với phong trào Hợp tác xã của Việt Nam, Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 thống nhất trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 11 tháng 4 hàng năm là Ngày Hợp tác xã Việt Nam (Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011).

Nguồn tin: LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây