CHIẾC LÁ

Thứ năm - 12/01/2023 10:27
Mảnh mai như chiếc lá rừng, mà nhiều người vẫn cứ phải lo xa, đặc biệt là các mẹ các chị mỗi khi năm hết, tết đến nhà nào cũng muốn gói vài cặp bánh chưng xanh dâng lên bàn thờ cúng gia tiên, cho con cháu được thưởng thức thứ bánh cổ truyền dân dã tượng trựng cho đất trời, vốn có từ thời Hùng Vương dựng nước, giá trị ẩm thực của nó thì miễn bàn, không chỉ thơm ngon bổ dưỡng, đậm đà bản sắc văn hóa Việt mà còn thêm chút linh thiêng gần gũi đến độ đi vào ca dao: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
 
Người ta cũng có thể gói bánh chưng bằng lá chuối. Nhưng ở quê tôi nhất thiết cứ phải là lá dong. Thứ lá rừng to bản thuôn dài ấy sao mà hợp đến kỳ lạ, bởi cái chất dẻo dai mà vẫn cứng cáp của nó có thể gấp thành khuôn vuông vắn rất đơn giản và tiện lợi .Với những xấp lá dong đã được gấp sẵn thì người vụng về nhất cũng có thể gói được bánh chưng. Chiếc bánh gói xong hằn lên những vằn gân mềm mại trông thật thích mắt, cái màu xanh bền bỉ huyền diệu mát lành
Trong nhiều loại lá, thì bánh chưng gói lá dong là tuyệt diệu nhất, dù có phải luộc lại cho đến chín nẫu, vẫn có độ trơn bóng dẻo dai, khi ăn dễ bóc hơn bất cứ thứ lá nào khá. Màu xanh của lá dong để lại trên bề mặt bánh chưng một màu xanh tươi mát dịu nhẹ hấp dẫn, không thứ lá nào có được. Nên các cụ quê tôi vẫn nói trời sinh ra lá dong để gói bánh chưng. Chính vì thế mà tết đến trong muôn vàn thứ phải lo toan; kể cả khi thời giá leo thang đến mấy thì muốn tự gói bánh chưng nhà nào cũng phải sửa soạn đôi trăm chiếc lá dong. Thứ lá mọc tự nhiên trong rừng, nhưng cũng không phải vô tận. Vì vậy lá dong được cuộn thành từng bó 80 - 100 lá, người bán người mua phải đếm từng chiếc, như thế cũng đủ thấy người ta nâng níu giá trị của nó đến nhường nào
Cũng vì không phải vô tận, nên trong số các thứ có thể tự lo cho cái tết thì lá dong là thứ được chuẩn bị sớm nhất, cứ thấy có lá dong là đã thấy không khí tết. Nhớ thời còn bao cấp mới rục rịch tháng 10 tháng 11 âm lịch, Thứ bảy, Chủ nhật là chúng tôi lại rủ nhau tranh thủ đi vào rừng kiếm lá dong, bởi nếu đi chậm hơn sẽ không còn… Chúng tôi men theo thượng nguồn Sông Hiến qua Pác Háo, Nà Đin, Nà Tẩu đến tận tít đèo Tài Hồ Sìn sâu thẳm, xa đến cả gần chục cây số, mà đâu đâu cũng gặp người đi tìm lá dong; không chỉ bà con nông dân, mà cả cán bộ công chức cũng tham gia vào đội quân tìm kiếm lá dong, có nhà cả vợ chồng con cái cơm đùm cơm nắm đi ở cả ngày trong rừng…
Thời bấy giờ chỉ cần vài gánh lá dong cũng đủ rủng rỉnh tiêu Tết, đơn giản vậy thôi, nhưng cũng không dể dàng gì. Lá dong là loại cây thân sơ, mềm, kén đất thường chỉ mọc ở ven suối, khe sâu nơi đất ẩm ướt, chỉ có những người quen thuộc thổ địa mới dễ dàng tìm đúng nơi, đúng chỗ. Chúng mọc thành từng khóm dày hoặc vạt dài bám theo triền dốc, um tùm dưới tán rừng xanh. Người đi hái lá phải nai nịt dày vải, bao tay, khăn chùm mặt, kem xoa, xà phòng chống muỗi vắt. Khi cắt phải dùng dao sắc tách tỉa từng khóm, khéo léo nhẹ nhàng tránh bị trầy xước cuống và làm rách lá
Những chiếc lá dong được xếp cẩn thận dọc thành chồng, rồi cuộn tròn từng bó 100 chiếc, lấy 2, 3 lá già bọc ngoài buộc gọn lại bằng dây lạt mềm. Khoảng hai, ba chục bó nhỏ, góp lại thành bó to, hai bó to mới đủ một gánh mang về .. Nếu chưa gánh về hết, thì dựng lại nơi râm mát cho cuống lá cắm xuống đất, phủ lá cây lên trên, hoặc cho dìm xuống nước suối một hai tuần sau đến lấy về, mà lá vẫn xanh tươi như vừa mới hái, quả thật là một thứ lá bền sắc màu và sức sống kỳ diệu .
Có những lần phải đi xa, đường rừng nhỏ hẹp, chúng tôi phải lần mò chuyến từng bó nhỏ xuống lòng thung, đóng thành bè mảng xuôi dòng sông Hiến về thành phố . Mùa đông dòng sông heo hút lạnh giá, trở nên râm ran náo nhiệt tiếng người ơi ới gọi nhau, hộ đỡ bè mảng vượt qua những bậc thoong giật, nước xoáy, phải những tay thành thạo sông nước luồng lạch mới đủ can đàm chèo lái qua Voằng Có, Cốc Sa, Hát Khát, Hát Diển, qua Nà Hoàng, Nà Gà, Pháo đài cặp vào bến sông Phố Cũ Vườn Cam … Phải nói rằng cực nhọc nhưng cũng vui, bởi hái lá dong tết chẳng ai đi một mình, vào rừng lẻ loi còn không đủ sức xua muỗi.
Bây giờ cơ chế đổi thay, qua thời khó khăn, cán bộ công chức chẳng ai còn đi lấy củi, lấy chuối rừng nuôi lợn, tìm lá dong tết.Đất rừng đã giao, ý thức và trách nhiệm giữ gìn tài nguyên rừng đã thuộc về các hộ gia đình. Những nơi có lá dong đã được người dân khoanh nuôi bảo vệ chăm sóc. Mỗi năm tết đến những chiếc lá dong vẫn lặng lẽ tỏa theo các cánh rừng, xuôi dòng Sông Hiến, Bằng Giang đi về thành phố. Mỗi nhà chỉ cần bỏ ra 1-2 trăm ngàn là thoải mái có đủ lá dong gói bánh chưng xanh
Nhưng ký ứ về một thời đi rừng hái lá vẫn mới như hôm nào, hình ảnh những chiếc lá dong mềm mại xanh tươi, trải qua bao lần mưa nắng và bàn tay nâng niu mới về đến gian bếp nhà ấm cúng
Ngày cuối năm cứ mỗi lần gói bánh chưng tết, tôi lại nhớ đến hình ảnh những người đi hái lá Dong lầm lũi giữa trời tháng chạp lâm thâm, gió rét mưa phùn, trầy trật đường trơn, ngụp lặn dưới dòng nước sông lạnh buốt … Giá trị của mỗi chiếc lá dong mảnh mai mặc dùchỉ rất bé nhỏ khiêm nhường. Nhưng chính nó đã góp phần làm nên khuôn trăng đầy đặn và giá trị đích thực cho cái bánh chưng xanh.

Tác giả bài viết: Lã Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây