Sau 2 năm phải tạm ngừng các hoạt động văn nghệ, TDTT và lễ hội do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, năm nay, khi dịch Covid – 19 đã tạm thời được kiểm soát, các hoạt động đã trở lại trạng thái bình thường mới, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT chào đón năm mới. Đặc biệt, là sự hoạt động trở lại của các lễ hội xuân trên địa bàn, thu hút rất đông người dân và du khách thập phương đến trẩy hôi, du xuân.
Đúng 19h tối mùng 7 tháng giêng (tức tối 29/1/2023), Lễ khai hội chùa Đống Lân diễn ra trang trọng, uy nghiêm theo nghi thức truyền thống của địa phương. Sau hồi trống, dâng hương, đón lễ vào chùa, các cụ cao niên tiến hành nghi lễ dâng rượu, đọc sớ lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong một năm mới toàn thể nhân dân gặp nhiều may mắn. Tiếp đó, lãnh đạo xã đã đọc lại lịch sử hình thành ngôi chùa và đánh trống khai hội; biểu diễn văn nghệ chào mừng… thu hút hàng ngàn người dân thành phố và du khách thập phương đến thắp hương cầu mong một năm mới bình an, gặp nhiều may mắn và vãn cảnh chùa.
Ngoài phần lễ, ngày 29/1 (tức ngày mồng 8 âm lịch) diễn ra phần hội với các môn thể thao sôi động, hấp dẫn như: cờ tướng, bịt mắt bắt vịt, tung bóng và lày cỏ… đã thu hút được rất đông người dân đến tham gia, cổ vũ. Các hoạt động văn hóa - thể thao sôi nổi, lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo của nhân dân, qua đó củng cố tình cảm và ý thức cộng đồng, hình thành mối quan hệ đa phương, huy động các nguồn lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; tạo không khí tưng bừng, phấn khởi, cổ vũ, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội năm 2023.
Lễ hội Chùa Đống Lân gắn với sự tích: Tương truyền dân gian, trước khi chùa được xây dựng, tại gò Đống Lân có đền thờ Trần Quý, Trần Kiên. Sách “Cao Bằng thực lực” có ghi chép nhiều chi tiết về nguồn gốc và tài năng đặc biệt của anh em Trần Quý, Trần Kiên là những người có công lớn diệt trừ yêu quái, bảo vệ dân làng. Dưới thời nhà Lý (cuối thế kỷ XI), chùa Đống Lân được xây dựng để thờ Phật. Từ năm Tân Hợi niên hiệu Càn Thống 19 nhà Mạc, hoàng hậu nhà Mạc cho xây chùa theo hình chữ Đinh, có hai bên hành lang và hậu đường, tăng phòng. Sau chùa là Ly cung của nhà Mạc. Chùa là nơi để hoàng hậu, công chúa tụng kinh niệm Phật. Chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Cao Bằng năm 1997.
Đây là ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời, kiến tạo từ thời Lê - Mạc, được nhân dân xã Hưng Đạo quan tâm bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thăng trầm của lịch sử, trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống của nhân dân nơi đây. Tổ chức và duy trì lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng và vui chơi lành mạnh của người dân, giúp tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong làng xã, thôn xóm, gia đình; đồng thời, gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc...