Đón rằm tháng Bảy cùng đồng bào Tày, Nùng Cao Bằng
Thứ ba - 29/08/2023 04:36
Ngay từ những ngày đầu tháng Bảy âm lịch, đồng bào dân tộc Tày, Nùng đã rậm rịch các công đoạn để đón rằm tháng Bảy. Đây được coi là Tết lớn thứ hai sau Tết Nguyên đán của người Tày, Nùng với những đặc trưng mang đậm nét văn hóa truyền thống. Người dân nơi đây quan niệm rằng, rằm tháng Bảy không chỉ là dịp để gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên mà đây còn là dịp để người dân cầu mong mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.
Cứ đến tháng Bảy âm lịch hằng năm, gia đình ông Mã Văn Duy, dân tộc Nùng ở thị trấn Nước Hai (Hòa An) luôn chuẩn bị các công đoạn đón rằm từ sớm. Ông Duy cho biết: Theo phong tục từ xưa, gia đình tôi đón rằm tháng Bảy với những món ăn quen thuộc. Công tác chuẩn bị đơn giản hơn Tết cổ truyền, chỉ chuẩn bị đồ để gói bánh gai, bánh rợm, chuẩn bị thức ăn như gà, vịt,.. các loại hoa quả để bày mâm lễ cúng…
Gần đến ngày rằm nhiều gia đình đã làm bánh gai, bánh rợm, làm bún, mua vịt. Đặc biệt, vào rằm tháng Bảy còn làm thêm phở tươi và bún, đây là hai món ăn rất hợp để thưởng thức vào tiết trời nóng bức. Phở tươi được làm từ gạo Bao thai ngâm nhiều tiếng đồng hồ, sau đó nghiền nhỏ thành bột, được tráng tay trên một chiếc khuôn tròn và thưởng thức cùng canh thịt vịt. Nguyên liệu để làm món bún cũng giống như phở tươi đó là là gạo. Gạo được vo sạch và ngâm trong nước hơn một ngày, trước khi xát thành bột phải vo kỹ và rửa sạch. Bột đựng vào trong bao vải để ráo nước, sau đó nặn thành bánh có đường kính khoảng 20 mm. Bánh được đục lỗ ở giữa để khi luộc bánh chín đều. Sau khi luộc chín, bánh được giã và nhào cho dẻo rồi mang vào khuôn để ép thành sợi bún. Bún cho vào khuôn ép thẳng xuống nồi hoặc chảo nước sôi làm chín tại chỗ và sử dụng được ngay. Bún được chế biến theo cách truyền thống có hương vị đặc trưng riêng biệt, tạo sự hấp dẫn.
Dân tộc Tày, Nùng ăn rằm từ ngày 14 âm lịch, từ sáng sớm cả nhà sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên. Trên mâm cỗ bao giờ cũng có một con gà luộc nguyên con, bánh gai, bánh rợm, thịt lợn, thịt vịt được sắp lên đĩa. Người dân làm thịt vịt tương đối cầu kỳ. Vịt sau khi được chao (rán) qua mỡ nóng sẽ đem luộc rồi mới chặt miếng xếp lên đĩa. Nước luộc vịt cho thêm rau răm, chan với bún hoặc phở tươi. Với cách làm này, thịt vịt vừa ngấm gia vị, thơm mềm mà canh bún vẫn có vị ngậy đặc trưng. Mâm cúng bày xong, chủ nhà thắp hương với tấm lòng thành mời tổ tiên về ăn rằm, tạ ơn đã phù hộ cho con cháu một năm bình an, cầu xin mạnh khỏe, nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa.
Sau khi hoàn thành, mâm cỗ được bày lên bàn thờ ở vị trí trang trọng nhất. Tiếp đó, mâm cỗ được để ở ngoài trời để cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, giúp cho cây trồng tươi tốt. Sau đó, mâm cỗ được di chuyển đến một số điểm, như bếp lửa... thể hiện sự quan tâm của các thành viên trong gia đình đối với tổ tiên, đất trời. Các loại vàng mã, giấy tiền được bày lên bàn thờ, sau đó hóa vàng cho tổ tiên và cầu mong các thành viên trong gia đình sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Rằm tháng Bảy cũng là dịp để con cháu đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình. Đặc biệt, với những người con gái, sau khi lấy chồng, đây còn là dịp trở về chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Đúng ngày 15 âm lịch, vợ chồng, con cái sẽ cùng nhau về nhà ngoại và mang theo đôi vịt (hoặc gà), rượu, bánh gai, bánh rợm… Dù bận đến mấy, ngày 15 âm lịch cũng sẽ cùng gia đình nhà ngoại ăn bữa cơm thân mật, thưởng thức những món ăn quen thuộc trong không khí vui vẻ, đầm ấm. Qua đó, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Hiện nay, cùng với sự phát triển chung của xã hội, một số phong tục đã không còn, nhưng đồng bào dân tộc Tày, Nùng vẫn lưu giữ phong tục ăn rằm tháng Bảy. Có thể nói, phong tục mỗi nơi, mỗi dân tộc có sự khác nhau. Nhưng cái chung nhất là tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên trong ngày rằm tháng Bảy thì dân tộc nào cũng có. Đây là một trong những dịp để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, trong quan hệ hàng xóm láng giềng… là nét văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển.